Quy định của pháp luật về đóng góp quỹ phòng, chống thiên tai
Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Việc đóng góp quỹ PCTT không chỉ thể hiện trách nhiệm ý thức vì cộng đồng mà còn góp phần đảm bảo quan trọng để phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Hồ chứa nước Thung Bằng (Cẩm Ngọc - Cẩm Thủy) mới được sửa chữa, bảo đảm an toàn tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1-8-2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý quỹ PCTT; để tăng cường công tác thu Quỹ PCTT tỉnh được kịp thời, hiệu quả, đảm bảo theo quy định, ngày 31-5-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1864 về việc phê duyệt kế hoạch thu, nộp quỹ PCTT trên địa bàn tỉnh năm 2023, với tổng số thu, nộp quỹ được phê duyệt là 71.779.476.000 đồng.
Trong đó:
Các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh thu, nộp: 725.054.318 đồng.
Các huyện, thị xã, thành phố thu, nộp: 21.166.977.443 đồng.
Các đơn vị lực lượng vũ trang thu, nộp: 281.948.000 đồng.
Các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài do Cục Thuế tỉnh quản lý (doanh nghiệp) thu, nộp: 49.285.496.000 đồng.
Đối tượng và mức đóng góp quỹ PCTT:
Về đối tượng và mức đóng góp:
- Đối với các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài (gọi chung là doanh nghiệp) đóng trên địa bàn tỉnh: Mức đóng góp bắt buộc một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31-12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức.
- Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:
+ Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, ở tỉnh, ở huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) và lực lượng vũ trang đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.
Vận hành đập Quy Xá, điều tiết nước kênh bắc thuộc hệ thống đập Bái Thượng.
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 1 lần theo 1 hợp đồng có thời gian dài nhất (Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022).
+ Người lao động khác, ngoài các đối tượng đã được quy định nêu trên, đóng góp 10.000 đồng/người/năm.
Đối tượng được miễn đóng góp:
Về đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp quỹ: Thực hiện theo Điều 13, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:
- Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí.
- Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung, dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề.
- Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mắc bệnh tâm thần có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên.
- Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên.
- Phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan; thành viên hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn.
- HTX không có nguồn thu.
- Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị khi phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn (0,02%) tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất, kinh doanh từ 5 ngày liên tục trở lên có xác nhận của UBND cấp huyện hoặc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng góp:
Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp quỹ PCTT cấp tỉnh. Mức giảm đóng góp quỹ tương ứng mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do cơ quan thuế công bố hàng năm.
Năm 2023, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, vì vậy các ngành, địa phương, đơn vị cần xác định công tác PCTT là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCTT với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt. Trong đó, quỹ PCTT tại địa phương và thu, nộp quỹ PCTT là rất cần thiết. Chủ động đóng góp quỹ PCTT của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả và nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó với thiên tai tỉnh nhà.
Thông tin đơn vị tiếp nhận: Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và PCTT tỉnh Thanh Hóa:
Số tài khoản: 3761.0.9083324.91049 tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa.
Địa chỉ: Số 49A, Đại lộ Lê Lợi, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa.
Điện thoại: 02373.723996.
Email: quypcttthanhhoa@gmail.com.