Quy định mới nhất về cách ly khi mắc Covid-19

Người mắc Covid-19 không còn bị bắt buộc cách ly y tế như trước, thay vào đó, Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh nên tự cách ly tại nhà ít nhất 5 ngày.

Bước chuyển trong kiểm soát dịch Covid-19

Theo TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thế giới đang ghi nhận xu hướng gia tăng số ca mắc Covid-19 tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan… Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, gần 150 ca mắc đã được phát hiện rải rác tại 27 tỉnh, thành phố, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Trước tình hình này, ngày 19/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có văn bản gửi các cơ sở y tế, yêu cầu chủ động bố trí khu vực cách ly, chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư y tế và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nếu dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng.

Lực lượng y tế lấy mẫu test Covid-19 tại điểm cách ly tập trung quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2021. Ảnh: Nguyệt Nhi

Lực lượng y tế lấy mẫu test Covid-19 tại điểm cách ly tập trung quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2021. Ảnh: Nguyệt Nhi

Mặc dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Bộ Y tế vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải ứng phó linh hoạt và chủ động trong giai đoạn hiện nay. Bộ Y tế đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn về dự phòng, điều trị, phòng chống lây nhiễm.

Trong đó, Quyết định 3985 ngày 29/10/2023 là văn bản mới nhất, quy định các biện pháp giám sát và phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng mà người dân cần lưu ý.

Theo hướng dẫn, người mắc Covid-19 không còn bị bắt buộc cách ly y tế như trước. Thay vào đó, Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh nên tự cách ly tại nhà ít nhất 5 ngày, đồng thời tiếp tục đeo khẩu trang đến hết ngày thứ 10 để hạn chế nguy cơ lây lan cho người xung quanh.

Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai..., Bộ Y tế khuyến nghị, cần chủ động xét nghiệm sớm để được hướng dẫn điều trị phù hợp và tránh biến chứng.

Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi người dân duy trì thực hiện "2K - Khẩu trang và khử khuẩn". Việc đeo khẩu trang được đặc biệt nhấn mạnh tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người và các cơ sở y tế. Đồng thời, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ thông khí tốt tại nơi ở và nơi làm việc, và hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp.

Covid-19 lưu hành như cúm

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh), Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Covid-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi, vì thế sẽ có lúc tăng, lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tình hình hiện nay chưa có dấu hiệu đáng lo ngại. "Dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong", ông nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, biến thể đang lưu hành chủ yếu của Covid-19 hiện vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Tuy nhiên, nhóm có nguy cơ cao như người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai... vẫn cần đặc biệt lưu ý, bởi khi mắc bệnh, những đối tượng này có thể chuyển nặng và cần nhập viện.

Chia sẻ quan điểm về cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, đây là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tính linh hoạt trong thực hiện: "Việc cách ly không nên kéo dài quá mức cần thiết nhằm tránh gây ảnh hưởng đến đời sống và công việc của người dân".

Từ ngày 19/10/2023, Bộ Y tế chính thức điều chỉnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Điều này khẳng định, Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao như trước, nên các biện pháp phòng chống được thực hiện theo quy định dành cho nhóm B, phù hợp với mức độ nguy cơ hiện nay.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-dinh-moi-nhat-ve-cach-ly-khi-mac-covid-19-388615.html