Quy định mới về bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới: Chủ xe bớt bị làm khó
Nghị định mới quy định thời hạn bồi thường là 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và hãng bảo hiểm phải chịu trách nhiệm thu thập hồ sơ từ cơ quan công an.
Giải quyết bất cập trong bồi thường bảo hiểm bắt buộc
Ngày 6/9, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2023 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng.
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), Nghị định mới ban hành là phép cộng gộp của 3 nghị định trước đó về bảo hiểm bắt buộc đang có hiệu lực, gồm: Nghị định 119/2015 về bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng, Nghị định 23/2018 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới.
Nghị định mới ra đời nhằm hợp nhất quy định bảo hiểm bắt buộc về một văn bản, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo ông Xuân, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới được hiểu là loại dịch vụ bảo hiểm mà pháp luật quy định dành cho bên thụ hưởng gọi là “người thứ ba”.
Theo định nghĩa (khoản 5, Điều 3 Nghị định 67/2023): “Người thứ ba là người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra, trừ những người sau: Người lái xe, người trên xe, hành khách trên chính chiếc xe đó; chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó”.
Khi tai nạn xảy ra, “người thứ ba” được công ty bảo hiểm bồi thường cho thiệt hại về người tối đa 150 triệu đồng/người/vụ; mức bồi thường về tài sản tối đa là 100 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều năm qua hình thức bảo hiểm bắt buộc được nhiều cử tri là chủ xe cơ giới phản ánh có những vấn đề bất cập, cần bãi bỏ.
Chủ xe cơ giới có lợi gì từ quy định bảo hiểm bắt buộc mới?
Cuối tháng 8, cử tri TP.HCM nêu kiến nghị gửi Bộ GTVT, đề nghị xem xét bỏ quy định xử phạt người đi xe máy không có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Bộ GTVT cho rằng đối với kiến nghị này, cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (VP Luật sư Tinh Hoa Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội), Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Quốc hội thông qua năm 2022, có hiệu lực từ 1/1/2023.
Theo đó, luật mới vẫn bảo lưu quan điểm tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận với nhau về thời gian bồi thường bảo hiểm.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì luật quy định thời hạn bồi thường là 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Thế nào là “đầy đủ hồ sơ hợp lệ"?. Luật sư Đỗ Hồng Sơn cho rằng đây là câu hỏi lớn dẫn tới nhiều tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng thời gian qua.
Theo luật sư Sơn, quy định mới (Điều 13 Nghị định 67 - Hồ sơ bồi thường bảo hiểm) ấn định 7 hạng mục, trong đó người được bảo hiểm phải tự thu thập 5 hạng mục, cơ quan bảo hiểm thu thập 2 hạng mục hồ sơ. Trong đó phần thu thập hồ sơ khó nhất là từ cơ quan công an thì hãng bảo hiểm phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, điểm mới nữa (khoản 2, Điều 12 Nghị định 67) là: “Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; Phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm”.
"Điểm mới này giúp người mua bảo hiểm bắt buộc và hãng bảo hiểm có sự ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm, trong vòng 1 giờ nhận thông báo tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải có hướng dẫn cho khách hàng và trong vòng 24 giờ phải tổ chức giám định thiệt hại", luật sư Đỗ Hồng Sơn phân tích.