Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Vụ Ngân sách nhà nước
Sau khi sắp xếp, hợp nhất Vụ Ngân sách nhà nước và Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thành Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2332/QĐ-BTC ngày 1/7/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Ngân sách nhà nước mới.
Theo Quyết định này, tại Điều 1 quy định rõ vị trí và chức năng của Vụ Ngân sách nhà nước. Theo đó, Vụ Ngân sách nhà nước là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Vụ Ngân sách nhà nước và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.
Điều 2 có 21 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Vụ Ngân sách nhà nước. Cụ thể, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự án, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác về tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ngân sách nhà nước, trừ các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị khác thuộc Bộ; trình cấp có thẩm quyền quyết định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi Ngân sách nhà nước theo quy định.

Bộ Tài chính ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa
Vụ Ngân sách nhà nước có nhiệm vụ tổ chức thực hiện, hướng dẫn, trả lời vướng mắc và kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác về quản lý kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Vụ. Ngoài ra, xây dựng, điều chỉnh, quản lý, điều hành các kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm; lập, điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, kế hoạch đầu tư công hằng năm; tổ chức điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;
Đồng thời, Vụ Ngân sách nhà nước tổ chức điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm; tổ chức tổng hợp, lập quyết toán ngân sách; tổng hợp, phân tích, dự báo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; cung cấp thông tin, số liệu kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng của Vụ và cung cấp cho tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính...
Điều 3, 4 của Quyết định này quy định cơ cấu tổ chức của Vụ gồm 6 phòng và lãnh đạo Vụ. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.
Thực tế, Bộ Tài chính có 2 đơn vị (Vụ Ngân sách nhà nước và Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân) thực hiện các nhiệm vụ có tính chất liên thông, gắn kết với nhau liên quan đến chức năng quản lý ngân sách và huy động nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, Vụ Ngân sách nhà nước được giao tham mưu quản lý nhà nước về NSNN; thực hiện nhiệm vụ cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách trung ương, cân đối ngân sách địa phương.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân được giao tham mưu quản lý nhà nước về tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trong khi đó, NSNN là công cụ điều hành kinh tế - xã hội; kinh tế - xã hội phát triển sẽ góp phần tăng huy động ngân sách nhà nước để tăng nguồn lực thực hiện các mục tiệu phát triển. Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách trung ương, cân đối ngân sách địa phương, Vụ Ngân sách nhà nước cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân trong việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và dự báo tình hình kinh tế xã hội của năm sau và các năm tiếp theo.
Ngược lại, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cũng cần thiết phối hợp chặt chẽ với Vụ Ngân sách nhà nước trong việc huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cũng như cân đối nguồn lực để bố trí cho kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của cả nước.
Theo lý giải tại quyết định này, việc duy trì hai Vụ có các nhiệm vụ gắn kết, liên thông với nhau trong Bộ Tài chính sẽ làm giảm hiệu quả tham mưu, quản lý nhà nước, tăng thời gian xử lý công việc của Bộ (do phải xin ý kiến qua lại nhiều lần giữa Vụ Ngân sách nhà nước và Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc "Một đơn vị thực hiện nhiều việc và một việc chi giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị"). Do đó, việc sắp xếp, hợp nhất Vụ Ngân sách nhà nước và Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân là yêu cầu cần thiết đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.