Luật Ngân sách Nhà nước mới bổ sung thẩm quyền cho địa phương
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) mới được đánh giá có nhiều quy định tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.
Tại Hội nghị toàn quốc xin ý kiến về Hồ sơ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN năm 2025 diễn ra sáng 7/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Luật NSNN số 89/2025/QH15 là Dự án Luật quan trọng, có phạm vi rộng, tác động tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực và các địa phương.
“Sau khi Quốc hội thông qua Luật, căn cứ ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, tiếp thu, hoàn thiện một bước hồ sơ Dự thảo Nghị định để tiếp tục xin ý kiến trực tiếp tại Hội nghị ngày 7/7, nhằm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn”, ông Nguyễn Đức Chi cho biết.
Tại Luật này, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định chi tiết 4 nội dung, giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xác định chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của UBTVQH và 6 Nghị định của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính), Dự thảo Nghị định tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm như: Quy định chi tiết công tác xây dựng dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách nhà nước, khắc phục những điểm hạn chế để sửa đổi phù hợp với quy định tại Luật NSNN số 89/2025/QH15 và phù hợp với thực tiễn; việc sử dụng vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ địa phương khác; tổng hợp hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính).
Trong đó, những nội dung mới được bổ sung tại Dự thảo bao gồm bổ sung quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương; quy định các nguyên tắc để HĐND cấp tỉnh quyết định các chế độ chi ngân sách ở địa phương.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc giao dự toán thu, chi ngân sách cho từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương theo từng lĩnh vực; nhiệm vụ thu, chi, bội chi, vay và mức bổ sung từ ngân sách Trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chi tiết lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Dự thảo cũng bổ sung mới quy định về nguyên tắc, trình tự và thủ tục hỗ trợ ngân sách cấp dưới khi hụt thu do nguyên nhân khách quan; quy định xử lý kết dư NSNN của các cấp ngân sách để thực hiện các nội dung chi và hạch toán khoản kết dư NSNN còn lại vào thu ngân sách năm sau.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật NSNN đã sửa đổi cơ bản, triệt để những vướng mắc trước đây trong việc thực hiện Luật NSNN cũ, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.
Đặc biệt, về phân cấp, phân quyền, Dự thảo quy định cụ thể trình tự, thủ tục điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi trong quá trình chấp hành NSNN. Bên cạnh đó, Dự thảo bỏ các quy định liên quan đến số kiểm tra, về Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm; bỏ quy định khoản phí do cơ quan Nhà nước thu nộp NSNN được khấu trừ các khoản khoán chi phí hoạt động; bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Tại Hội nghị, một số đại biểu cho biết, Dự thảo lần này đã sửa đổi cơ bản, triệt để những vướng mắc trước đây trong việc thực hiện Luật NSNN cũ, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, mở ra nhiều vấn đề cho địa phương thực hiện, như quy định về cho sử dụng quỹ tạm ứng, thời gian hoàn ứng…
Qua đó, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong lập dự toán, điều hành, quản lý, quyết toán và công khai NSNN; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.