Quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới: Những loại phương tiện nào sẽ được hưởng lợi?
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về đăng kiểm xe cơ giới đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến và có thể sẽ sớm có hiệu lực vào cuối tháng 3-2023 thì sẽ có hàng loạt thay đổi tích cực mà người dân đang rất mong chờ trước tình hình quá tải các trạm đăng kiểm trong thời gian vừa qua.
Điều chỉnh nhiều ở xe không kinh doanh vận tải
Theo dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 16 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, sẽ đưa vào quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định, tức thời gian lưu kho để phương tiện được miễn kiểm định lần đầu sau khi đến tay khách hàng và được đăng ký là 2 năm).
Trong đó, người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định, thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe cơ giới, tương đương với 36 tháng đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (theo dự thảo mới nhất). Ở thông tư hiện tại, chu kỳ này là 30 tháng, tức tăng lên 6 tháng. Sau 36 tháng (tức 3 năm), phương tiện phải làm thủ tục đăng kiểm và lúc này thời hạn đăng kiểm là 24 tháng kéo dài đến hết năm thứ 7. Từ năm thứ 8 đến hết năm thứ 15, thời hạn đăng kiểm là 12 tháng. Từ năm thứ 16 trở đi, các phương tiện sẽ phải đăng kiểm 6 tháng một lần.
Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định bởi đây là loại xe có cường độ, tần suất hoạt động lớn, vận tải chở khách nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn. Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ theo dự thảo mới không còn tính theo loại không cải tạo/cải tạo mà tính theo thời gian sản xuất.
Đối với xe có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định đầu 24 tháng, chu kỳ định kỳ 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đầu và chu kỳ định kỳ là 6 tháng. Đây đa số là xe khách, sử dụng để kinh doanh vận tải.
Chu kỳ kiểm định 3 tháng vẫn giữ trong dự thảo mới tuy nhiên chỉ áp dụng cho ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ).
Theo Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-16D Hoàng Bảo Sơn (ngõ 134, phố Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), dự thảo sửa đổi Thông tư 16 đã cởi mở hơn rất nhiều đối với các phương tiện xe cơ giới. Đặc biệt là các phương tiện chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Đây cũng là nhóm phương tiện phát triển nhanh và mạnh trong vài năm trở lại đây. Thường những phương tiện này là các chủ hộ gia đình mua và sở hữu nên việc bảo quản, bảo dưỡng, chăm sóc xe cũng được ưu tiên. Chính vì vậy, đối tượng được điều chỉnh nhiều nhất là các phương tiện như trên tại dự thảo sửa đổi Thông tư 16 là rất hợp lý và không ảnh hưởng đến điều kiện vận hành cũng như an toàn của phương tiện.
Ô tô nâng cấp đèn chiếu sáng có được đăng kiểm?
Hiện nay, trên thị trường xe ô tô cũ đã qua sử dụng có rất nhiều phương tiện đã được chủ xe nâng cấp hệ thống chiếu sáng (đèn pha, đèn hậu, đèn xi nhan…). Theo quy định hiện tại, tất cả các phương tiện này nếu muốn được đăng kiểm thì phải trả lại về các tiêu chuẩn ban đầu của nhà sản xuất. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là điều cần phải bàn kỹ để có thể sửa đổi sớm.
Nếu để ánh sáng nguyên bản của những xe đã sản xuất cách đây hơn 10 năm thì rất khó đảm bảo để các phương tiện di chuyển trong trời tối khi lưu thông cùng hoặc ngược chiều với những phương tiện mới sản xuất vì chất lượng chiếu sáng của các xe ô tô đời mới đã được cải thiện tốt hơn rất nhiều so với trước đây (Chủ yếu là ánh sáng trắng dùng bóng led). Chính vì vậy, các xe đời cũ dùng bóng đèn halogen sẽ gặp bất lợi rất lớn khi gặp ánh sáng của các phương tiện đời mới gây nguy hiểm cho các phương tiện.
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 16, ở nội dung kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước, trong phần khiếm khuyết hư hỏng đã không còn nội dung “không đúng kiểu loại” như hiện hành. Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ khiến chủ xe đã trót nâng cấp đèn có thể sẽ được đăng kiểm.
Anh Nguyễn Văn Bắc, chủ garage sửa xe Thanh Bình, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, chia sẻ: "Tôi đã xem dự thảo và rất mừng. Nếu theo dự thảo sửa đổi Thông tư 16, có thể hiểu đèn xe vẫn được nâng cấp nhưng phải đảm bảo các quy định kỹ thuật theo yêu cầu. Hiện tại, rất nhiều ô tô sử dụng bóng halogen, khi di chuyển ở những đoạn đường không có nhiều đèn đường, chủ xe muốn nâng cấp để tăng sáng, an toàn hơn khi lưu thông. Giải quyết được vấn đề này sẽ gỡ khó cho rất nhiều phương tiện đã nâng cấp hệ thống chiếu sáng.
Tuy nhiên, cũng theo anh Bắc, hiện nay có rất nhiều chủ phương tiện đã lắp thêm nhiều loại đèn với cường độ ánh sáng rất lớn, gây nguy hiểm cho xe đối diện. Tôi rất mong dự thảo sửa đổi Thông tư 16 quy định rõ loại đèn nào không được lắp thêm trên phương tiện.
Hướng tới giảm chi phí xã hội, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 lần này được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định quốc tế, căn cứ vào tần suất hoạt động của xe, môi trường hoạt động, mục đích sử dụng của từng loại phương tiện để có những điều chỉnh chu kỳ hợp lý.
Việc nghiên cứu được thực hiện hết sức nghiêm túc kéo dài nhiều tháng nay sao cho khi điều chỉnh sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dựa trên mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn của phương tiện và người dân, đồng thời nhằm giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kiểm định.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chu kỳ kiểm định xe ô tô dựa trên nhiều yếu tố như: Năm sản xuất, tần suất sử dụng xe, môi trường hoạt động và không thể thực hiện kéo giãn tất cả các chu kỳ kiểm định bởi có nhiều phương tiện vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nhất là xe khách kinh doanh vận tải.
Anh Lê Hoàng Long, ngõ 254 phố Minh Khai, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội chia sẻ: Tôi rất mong chờ những thay đổi từ dự thảo thông tư lần này và mong sớm có hiệu lực. Theo tôi, Bộ Giao thông vận tải đã rất lắng nghe ý kiến của người dân nên đã có những thay đổi về thời gian giãn đăng kiểm của các phương tiện. Đặc biệt là miễn đăng kiểm lần đầu đối với các phương tiện chở người đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải. Đó là những điều mà người dân đang rất mong chờ để sớm thoát khỏi cảnh chầu chực đăng kiểm như hiện nay.
Mặc dù dự thảo sửa đổi Thông tư 16 vẫn đang được hoàn thiện, có thể sẽ còn có thay đổi cho đến ngày áp dụng thực hiện (có thể trong tháng 3 này) nhưng trên hết vẫn là những thay đổi tích cực từ Bộ Giao thông vận tải để hướng đến giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.