Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh được tiêu cực? (Bài 1) - 'Quản nhưng không cấm'

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025, quy định rõ nguyên tắc DTHT; các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; tổ chức DTHT; trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT... Tuy nhiên, thông tư mới có hiệu lực liệu có chấn chỉnh được tiêu cực trong DTHT tràn lan tồn tại nhiều năm qua? Làm sao để khi áp dụng thông tư, hoạt động DTHT không bị biến tướng? Tâm tư của phụ huynh học sinh, giáo viên? Là những vấn đề được dư luận quan tâm.

Cô trò Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Hát mãi khúc quân hành”.

Cô trò Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Hát mãi khúc quân hành”.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 29) với các quy định mới, cụ thể, rõ ràng để cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện. Trong đó, các quy định mới “quản nhưng không cấm” giúp cho việc quản lý DTHT hiệu quả hơn, tránh tiêu cực trong DTHT nhưng không cấm nhu cầu DTHT có thực của học sinh và giáo viên.

Những cái “không” gây chú ý

Thông tư 29 quy định: “Việc DTHT trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.

Thông tư cũng nếu rõ: “Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Đặc biệt, thông tư mới yêu cầu “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Thông tư mới cũng yêu cầu “việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức DTHT phải bảo đảm yêu cầu: Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh, mỗi môn không quá 2 tiết/tuần; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; kế hoạch tổ chức DTHT được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường”.

Sau khi được công bố, Thông tư 29 nhận được phản ứng tích cực từ nhiều phụ huynh học sinh, giáo viên.

Chị Thảo Anh (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Học sinh tiểu học đã học cả ngày ở trường rồi, không cần thiết phải học thêm ở ngoài nhà trường nữa. Buổi tối, các con cần có thời gian làm bài tập và nghỉ ngơi. Chưa cần biết cô giáo có thấy “khó chịu” khi con không đi học thêm ở nhà cô hay không, nhưng nếu cô dạy mà không cho con đi học tôi vẫn thấy có chút lo ngại. Tuy nhiên, quy định mới rất phù hợp, có thể tránh được những bất cập nảy sinh”.

Đồng tình với quy định không DTHT đối với học sinh tiểu học, cô giáo Đỗ Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Nhân (xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn), cho biết: “Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với bậc tiểu học là chương trình học 2 buổi/ngày, với không quá 7 tiết/ngày, gồm: Môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc (tiếng Việt, Toán...); môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2)...; hoạt động củng cố, tăng cường gồm các hoạt động tự học có hướng dẫn, các hoạt động giáo dục với nhóm lớp linh hoạt theo sở thích và năng lực, tham quan, hoạt động xã hội, tìm hiểu văn hóa địa phương theo nhu cầu và tự nguyện, các hoạt động tập thể khác - theo Công văn 2345/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh giảm được áp lực học tập, tạo môi trường cho các em được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đạt được trong chương trình, môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn. Việc bố trí chương trình như vậy là phù hợp với tâm lý học, giáo dục học, đảm bảo tính vừa sức; phù hợp với quá trình nhận thức, học kết hợp với thực hành, luyện tập, giúp học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức, kỹ năng”.

Cô Đỗ Thị Thu cũng cho biết thêm: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên tiểu học tuy còn thiếu nhưng cũng đã cơ bản đáp ứng được về số lượng và năng lực chuyên môn để tổ chức, triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018”. Do đó, cô Thu cho rằng việc học thêm đối với học sinh tiểu học không cần thiết vì chương trình không quá khó và giáo viên “đủ sức” dạy cho học sinh.

Cũng đồng tình với quy định mới, cô Nguyễn Thị Cúc, khối trưởng khối 5, Trường Tiểu học Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) chia sẻ: Thông tư 29 rõ ràng khiến cho dư luận xã hội, phụ huynh học sinh phần nào yên tâm về công tác quản lý việc DTHT, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện trong DTHT, đảm bảo tính khách quan, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như khoanh vùng đề thi, “bớt xén” chương trình chính khóa để DTHT đại trà... Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ, đại đa số giáo viên vẫn luôn từng ngày nỗ lực và mong muốn mang lại những điều tốt nhất đến cho các em học sinh.

Đưa DTHT vào “quỹ đạo” đúng

Tinh thần của Thông tư 29 là “quản nhưng không cấm”, được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động DTHT vào “quỹ đạo” đúng.

Cô và trò Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) trong giờ học ngoại khóa tìm hiểu về “Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”.

Cô và trò Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) trong giờ học ngoại khóa tìm hiểu về “Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”.

Mới đây, tại chương trình tư vấn - hướng nghiệp cho học sinh THPT tại Trường Đại học Hồng Đức (TP Thanh Hóa), trước băn khoăn của em Bùi Văn Lê, học sinh lớp 12, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa: “Từ năm 2025, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ thi 4 môn (gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) thì lượng kiến thức học sinh cần đạt được là rất lớn, việc Bộ GD&ĐT siết chặt quản lý việc DTHT thì đề thi có giảm bớt độ khó? Vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học thêm tại các trung tâm”.

Giải đáp thắc mắc của em Bùi Văn Lê, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Bộ GD&ĐT không cấm DTHT. Quy định mới hướng tới sự minh bạch trong DTHT. Học sinh có thể đăng ký ôn thi tại nhà trường nếu thấy kiến thức chưa đủ, giáo viên nếu muốn dạy thêm ngoài nhà trường thì thông báo với hiệu trưởng và đảm bảo không dạy thêm với học sinh học chính khóa của mình tại trường nhằm tránh phát sinh những tiêu cực có thể xảy ra. Như vậy học sinh và giáo viên vẫn có thể DTHT nếu có nhu cầu nhưng hoạt động DTHT sẽ được quản lý chặt chẽ hơn”.

Việc Thông tư 29 được ban hành giúp cho hoạt động DTHT được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định nhưng vẫn có những quy định ràng buộc để hạn chế những tiêu cực có thể nảy sinh. Mong muốn Sở GD&ĐT sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết việc tổ chức DTHT gửi các nhà trường, các cơ sở giáo dục, thầy giáo Lê Ngọc Lân, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Các quy định tại thông tư mới phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và tinh thần của Chương trình GDPT 2018 là lấy học sinh làm trung tâm, tạo động lực để học sinh phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực. Quy định mới cũng tạo động lực để giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo uy tín và thương hiệu cá nhân, đồng thời góp phần đưa hoạt động DTHT vào đúng “quỹ đạo”.

Để tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên toàn ngành về những quy định mới của Thông tư 29, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Trưởng Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ sở giáo dục khẩn trương, nghiêm túc triển khai đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của địa phương, đơn vị; nghiên cứu kỹ Thông tư 29 và các văn bản khác có liên quan. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, đơn vị tổng hợp các khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải khi thực hiện Thông tư 29 gửi về Sở GD&ĐT để nghiên cứu, tổng hợp, hướng dẫn hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền theo quy định.

Không thể phủ nhận DTHT xét về bản chất là một hoạt động tích cực, giúp những người có nhu cầu mở mang kiến thức. Tuy nhiên, trước những quy đinh mới ban hành của Thông tư 29, không ít phụ huynh học sinh, giáo viên vẫn còn những băn khoăn.

Bài và ảnh: Hạ An

Bài 2: Vẫn còn những băn khoăn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-co-chan-chinh-duoc-tieu-cuc-bai-1-quan-nhung-khong-cam-237828.htm