Quy định mới về dạy thêm, học thêm và mối lo 'lách luật'
Từ ngày 14-2-2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực trên toàn quốc.
Thông tư có nhiều điểm mới đột phá, được dư luận xã hội kỳ vọng sẽ đưa việc dạy thêm, học thêm cả ở trong và ngoài nhà trường vào nền nếp, tránh việc học sinh “buộc phải tự nguyện” học thêm. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế trước và những ngày đầu thông tư có hiệu lực cho thấy, để quy định mới thực sự đi vào thực tiễn và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học, rất cần sự hướng dẫn và tăng cường giám sát để tránh hiện tượng “lách luật” trong dạy thêm.
![Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn học sinh ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_8_51483014/bff6823db173582d0162.jpg)
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn học sinh ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang
Vì sao cần siết dạy thêm, học thêm?
Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư quy định rõ, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được áp dụng đại trà mà chỉ được áp dụng với ba nhóm đối tượng gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc tổ chức dạy thêm đối với ba nhóm này không được thu tiền của gia đình học sinh.
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT cũng quy định rõ ba trường hợp không được dạy thêm, học thêm, gồm: Học sinh tiểu học (trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống); giáo viên đang dạy tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mà mình đang dạy chính khóa; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vào danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện. Theo đó, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Trước một số ý kiến cho rằng, liệu có phải Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản được nên đã “thẳng tay” cấm luôn việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường hay không, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả người học và người dạy, Bộ không cấm. Thực tế có tình trạng học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy, cô giáo, thậm chí đi học thêm để bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Các quy định mới nhằm tránh tình trạng này.
Làm rõ về việc tại sao chỉ cho phép dạy thêm trong nhà trường không thu tiền với ba nhóm đối tượng học sinh, ông Vũ Xuân Thành thông tin: Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ đã quy định cụ thể số tiết, yêu cầu cần đạt với từng môn học, đồng thời giao nhà trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục. Nhà trường thực hiện đúng là đã bảo đảm học sinh đạt yêu cầu. Nếu vẫn có học sinh chưa đạt, nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm phụ đạo kiến thức cho học sinh. Việc tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh. Thông tư mới hạn chế việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường, hướng tới việc các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng học sinh hằng ngày tới trường dày đặc lịch học mà không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, vận dụng kiến thức...
Đồng tình và đặt hy vọng vào những quy định mới tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng việc dạy thêm, học thêm bấy lâu nay đang làm xói mòn khả năng tự học của học sinh. Trách nhiệm của các nhà trường là hướng dẫn học sinh cách tự học. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có thể được coi là “phép thử” để buộc các trường phải thay đổi, dù có thể còn một số khó khăn trước mắt.
Làm sao để tránh các hình thức biến tướng?
Ghi nhận chung, từ đầu tháng 2-2024 đến trước ngày 14-2, nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thông báo dừng toàn bộ các lớp học tăng cường, bổ trợ trong nhà trường. Ông Trần Minh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn - Đống Đa (quận Đống Đa) cho biết: “Nhà trường thông báo dừng dạy học tăng cường các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học. Giáo viên gửi bài tập cho học sinh tự học, trong trường hợp cần thiết có thể trao đổi trực tiếp với thầy, cô giáo bộ môn qua điện thoại. Nếu các trường đều nghiêm túc thực hiện nội dung này, đồng thời tăng cường hướng dẫn học sinh tự học thì chúng tôi yên tâm. Tuy nhiên tôi vẫn rất lo lắng vì con đang học lớp 9, việc ôn tập không được thu tiền liệu có ảnh hưởng đến động lực của giáo viên cũng như chất lượng dạy học hay không?”.
Trong khi đó, một giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học công lập thuộc quận Thanh Xuân bày tỏ băn khoăn: “Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ năng sống. Tiếng Anh không phải môn có trong danh mục này. Tuy nhiên trên thực tế, khá nhiều gia đình có nhu cầu cho con học tiếng Anh từ sớm. Như vậy có phải giáo viên không được dạy thêm với học sinh tiểu học, dù có đăng ký kinh doanh hoặc tham gia dạy thêm ở các trung tâm?”.
Còn bà Nguyễn Khánh Chi, phụ huynh học sinh một trường trung học cơ sở tại huyện Mỹ Đức chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 3, trong đó môn tiếng Anh là môn học bắt buộc. Bố, mẹ không biết tiếng Anh, con cũng chưa thể tự học môn này nên gia đình rất mong muốn học thêm. Hiện nay các lớp học tăng cường tiếng Anh ở trường đã dừng, con lại không thuộc ba đối tượng học sinh học thêm tại trường, trong khi việc tìm được trung tâm ngoại ngữ ở khu vực nông thôn không phải dễ”.
Lâu nay, những tiêu cực từ dạy thêm, học thêm luôn là đề tài “nóng” trên nhiều diễn đàn khiến dư luận xã hội, nhất là phụ huynh học sinh bức xúc. Như đã đề cập ở phần trên, có rất nhiều lý do khiến học sinh phải đi học thêm ở trong và ngoài nhà trường. Thế nhưng, trên thực tế, nguyện vọng học thêm, dạy thêm của cả người học và người dạy đều chính đáng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng đã khẳng định điều này.
Theo các chuyên gia, về bản chất, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT không cấm dạy thêm, học thêm chính đáng mà nhằm mục đích đưa việc dạy thêm, học thêm vào nền nếp, khắc phục những tiêu cực từng khiến dư luận xã hội bức xúc thời gian qua. Tuy nhiên cũng cần xem xét, nghiên cứu toàn diện và thấu đáo để giải quyết nhu cầu học thêm có thực và chính đáng của học sinh, ví dụ như việc học thêm tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học, ở vùng nông thôn; việc học tăng cường đối với học sinh cuối cấp. Thực tế, nếu nhu cầu xã hội lớn, nhưng quy định ban hành không phù hợp, thiếu thực tế thì các đơn vị, cá nhân dễ có nguy cơ tìm cách “lách luật”. Để tránh các hình thức biến tướng trong dạy thêm, học thêm cả ở trong và ngoài nhà trường, cơ quan quản lý cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch để các tổ chức, cá nhân liên quan nắm biết, thực hiện nghiêm túc, cũng là để bảo đảm quyền lợi người học.