Quy định mới về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu

Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được dùng để tính mức hưởng lương hưu, trợ cấp một lần và các chế độ bảo hiểm xã hội khác dành cho người lao động...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghị định số 158/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đã quy định cụ thể mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần trong các trường hợp nhất định.

Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần thực hiện theo quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Với trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/10/2004, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mà hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 trở đi, thì tiền lương làm căn cứ đóng trước ngày 1/10/2004 được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng.

Riêng đối với người lao động có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1/10/2004, mà hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 trở đi, thì tiền lương làm căn cứ đóng trước ngày 1/10/2004 được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng.

Trường hợp người lao động chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội quy định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của các tháng đã đóng.

Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định như sau:

Nhóm thứ nhất, bao gồm người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương thuộc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mà chuyển sang làm công việc khác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mà có tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn.

Với nhóm trên, khi nghỉ hưu được lấy tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của số năm đóng liền nhau, theo các mức tiền lương thuộc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tương ứng với số năm đóng để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm. Ảnh: Phúc Minh.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm. Ảnh: Phúc Minh.

Nhóm thứ hai, người lao động có thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân chuyển ngành làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định rồi mới nghỉ hưu.

Với nhóm này, khi nghỉ hưu có tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm cuối trước khi nghỉ hưu, thấp hơn so với số năm cuối trước khi chuyển ngành, thì được lấy tiền lương làm căn cứ đóng của số năm cuối trước khi chuyển ngành, để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng.

Nhóm thứ ba, người lao động không thuộc hai trường hợp nêu trên, nhưng trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mà có mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng, tính trên tiền lương làm căn cứ đóng của số năm cuối trước khi nghỉ hưu thấp hơn, so với tính trên toàn bộ thời gian đóng, thì mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của toàn bộ thời gian.

Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết, và trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-dinh-moi-ve-muc-binh-quan-tien-luong-lam-can-cu-dong-bao-hiem-xa-hoi-de-tinh-luong-huu.htm