Quy định mới về thu học phí trường tư thục tại TP.HCM và bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS
Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục các trường phổ thông ngoài công lập, trong đó liên quan đến thu học phí. Theo Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, học sinh nhận bằng tốt nghiệp THCS sẽ không còn xếp loại giỏi, khá, trung bình.
Bỏ xếp hạng giỏi, khá, trung bình với bằng tốt nghiệp THCS
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS. Theo đó, quy chế này đã bỏ điều khoản về xếp loại tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình như trước đây.
Việc bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS không ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh vào lớp 10 chương trình giáo dục phổ thông lẫn chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Bên cạnh đó, quy chế mới thay đổi số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS trong một năm.
Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, số lần xét công nhận tốt nghiệp cho người học tối đa 2 lần/năm vào thời điểm kết thúc năm học và trước khai giảng năm học mới.
Đối với cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, số lần xét ít nhất 1 lần trong một năm học vào cuối năm học.
Điều kiện để xét tốt nghiệp THCS là người học được công nhận hoàn thành chương trình THCS trong năm học lớp 9 theo quy định của Bộ GD&ĐT, không quá 21 tuổi với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông và từ 15 tuổi trở lên với học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên.
Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS trong năm học lớp 9 do kết quả học tập hoặc rèn luyện cả năm xếp loại Chưa đạt được kiểm tra, đánh giá lại các môn học và được công nhận hoàn thành chương trình THCS theo quy định.
Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS do nghỉ học quá 45 buổi trong năm học lớp 9 được học lại lớp 9 và được công nhận hoàn thành chương trình THCS theo quy định.
Quy chế xét tốt nghiệp THCS mới có hiệu lực từ ngày 15/2.
Trường tư thục tại TP.HCM phải công khai học phí và không được thu gộp nhiều năm
Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục gửi đến nhà đầu tư, hiệu trưởng các trường phổ thông ngoài công lập trên địa bàn.
Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường khi tổ chức thu học phí phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ. Cụ thể, các trường chỉ được thu tối đa 9 tháng/năm học và không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn cấp học.
Nhà trường phải công khai học phí và các khoản thu khác theo từng tháng, học kỳ, năm học và toàn cấp học. Việc công khai học phí phải thể hiện qua trang thông tin điện tử (website) của đơn vị và niêm yết công khai để dễ theo dõi. Sở lưu ý các trường cần tách bạch quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng trường, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo đúng quy định tại Thông tư 40 của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường treo biển tên phải đúng với tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập của UBND TP.HCM. Tương tự, website của trường cũng phải ghi đúng với tên ghi trong quyết định cho phép thành lập.
Đặc biệt, với các trường trung học phổ thông có vốn trong nước cần lưu ý thêm bảo đảm tỉ lệ ít nhất 40% giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên toàn trường.
Đối với lao động là người nước ngoài, trường phải quản lý giấy phép lao động chặt chẽ. Khi nghỉ việc hoặc hết hạn giấy phép, lao động nước ngoài phải thực hiện trả giấy phép trong thời gian quy định. Khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, nhà trường phải thực hiện ký hợp đồng lao động.
Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch giáo dục, nhà trường phải phân biệt giữa chương trình phổ thông 2006 và chương trình phổ thông 2018 tùy theo khối lớp. Nhà trường chú ý hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc và có số tiết theo quy định là 3 tiết/tuần, với tổng số tiết 105 tiết/năm học.
Còn các trường phổ thông tư thục có vốn đầu tư nước ngoài cần lưu ý thêm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam theo quy định.
Tại các trường này, số lượng học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, khi tuyển sinh, nhà trường đảm bảo phải có đủ 3 quyết định: Quyết định cho phép hoạt động giáo dục, quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh 10 và quyết định thành lập hội đồng tuyển sinh 10 do Sở GD&ĐT cấp, không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép hàng năm.
Đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, nhà trường cần lưu ý thêm: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có giấy phép lao động theo quy định. Trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người biệt phái từ các nước phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Linh Lê (tổng hợp)
Theo TPO, Dân Trí