Quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp thị trường 'tăng chất'
Với nhiều điểm mới được sửa đổi và bổ sung, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo này tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng lượng vốn thu về, cũng như trong việc công bố thông tin.
Đây là nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của bà Hoàng Thị Minh Huyền – Chuyên gia phân tích vĩ mô, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về thị trường này.
*PV: Thưa bà, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 có vẻ giảm “độ nóng” nhưng vẫn rất sôi động. Còn về năm 2022, bà nhận định thế nào về thị trường này? Đâu là các yếu tố có thể tác động tới thị trường này năm nay?
Bà Hoàng Thị Minh Huyền
"Với nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là kênh đầu tư khá hấp dẫn bởi lợi suất cao, song việc tiếp cận, phân tích đầy đủ các thông tin về đợt phát hành, chất lượng của trái phiếu hay chính doanh nghiệp phát hành vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, việc nắm rõ về doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu phát hành sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp".
Bà Hoàng Thị Minh Huyền: Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 không giảm sức nóng so với 2020 mà vẫn rất sôi động. Theo thống kê của chúng tôi, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt mức cao nhất trong lịch sử, trên 650 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với lượng phát hành trong năm 2020.
Trong năm 2022, theo tôi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi để hỗ trợ phát triển.
Theo đó, nền kinh tế mở cửa trở lại trong năm 2022 sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu đầu tư mở rộng của doanh nghiệp, qua đó kéo theo nhu cầu vốn tăng mạnh. Đồng thời, lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 (theo ước tính sơ bộ của chúng tôi) là trên 200 nghìn tỷ đồng, cao hơn 30% so với lượng đáo hạn của năm 2021 và cũng là mức đáo hạn cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất trong năm 2022 vẫn ở mức thấp sẽ tiếp tục giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn đối với nhà đầu tư, với mức lợi suất cao hơn.
Nhưng ở chiều ngược lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng và sự hoàn thiện khung pháp lý đối với việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Đây sẽ là những yếu tố giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn, nhưng điều này cũng phần nào làm chậm tốc độ phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp trong năm 2022.
*PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 có thể kém sôi động hơn, nhưng sẽ tăng chất lượng và tính minh bạch. Quan điểm của bà thì thế nào? Vì sao?
Bà Hoàng Thị Minh Huyền: Tôi đồng ý với quan điểm này. Từ giữa tháng 1/2022, Thông tư 16/2021/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, từ đầu tháng 12/2021, Bộ Tài chính cũng đã có công văn lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế. Chúng tôi đánh giá những quy định mới này sẽ tác động lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, đặc biệt ở giai đoạn đầu khi các văn bản này mới có hiệu lực, bởi lẽ các doanh nghiệp cần có thời gian để thích ứng với các quy định mới.
Diễn biến này cũng đã từng xảy ra, như thời điểm tháng 9/2020, khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm mạnh trong các tháng sau đó. Hay vào đầu năm 2021, khi sự thay đổi của nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp các tháng ngay sau đó cũng đã có sự giảm sút. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã lấy lại được nhịp độ trong thời gian sau đó, khi các doanh nghiệp đã thích nghi với các quy định mới.
Để giảm bớt rủi ro, nhà đầu tư có thể nhờ đến tư vấn của những chuyên gia am hiểu về tài chính doanh nghiệp, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp để có được những phân tích, nhận định về trái phiếu dự định mua.
*PV: Một yếu tố được cho là sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chất lượng hơn và cũng đang rất được quan tâm – đó là nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Bà đánh giá thế nào về điểm mới của dự thảo? Dự thảo khi được ban hành sẽ tác động tới thị trường thế nào?
Bà Hoàng Thị Minh Huyền: Với nhiều điểm mới được sửa đổi và bổ sung, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153 cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo này tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng lượng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin về kết quả đợt chào bán tới nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán.
Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi và bổ sung các quy định về xếp hạng tín nhiệm của một số loại trái phiếu doanh nghiệp. Những thay đổi này có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sẽ giúp tăng tính công khai, minh bạch, cũng như giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành trên thị trường này.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung nội dung về việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2022. Sự bổ sung này một phần giúp hoàn thiện và chuẩn hóa việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thu hút dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
*PV: Dù liên tục được cảnh báo và có nhiều biện pháp để gia tăng chất lượng, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tồn tại không ít rủi ro mà nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp phát hành luôn phải cẩn trọng. Vậy bà có khuyến nghị thế nào đối với người bán và người mua trên thị trường này?
Bà Hoàng Thị Minh Huyền: Với người bán, để giảm thiểu khi phát hành thì việc đánh giá kỹ, khách quan các dự án, cơ hội đầu tư, hiệu quả sử dụng, khả năng thu hồi vốn là thực sự quan trọng.
Với nhà đầu tư, tôi cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là kênh đầu tư khá hấp dẫn bởi lợi suất cao. Tuy nhiên, việc tiếp cận, phân tích đầy đủ các thông tin về đợt phát hành, chất lượng của trái phiếu hay chính doanh nghiệp phát hành vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, để giảm bớt rủi ro nhà đầu tư có thể nhờ đến tư vấn của những chuyên gia am hiểu về tài chính doanh nghiệp, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp để có được những phân tích, nhận định về trái phiếu dự định mua. Việc nắm rõ về doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu phát hành sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
*PV: Xin cảm ơn bà!