Quy định nghiêm ngặt với xe buýt trường học trên thế giới
Là một phần trong mạng lưới phương tiện vận chuyển học sinh, xe buýt trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa đón học sinh. Để đảm bảo mức độ an toàn cao hơn so với các phương thức vận chuyển thông thường khác, nhiều nước trên thế giới đã triển khai các quy định riêng đối với xe buýt trường học.
Tại Mỹ, xe buýt trường học là loại xe được ưu tiên như xe cứu hỏa, cứu thương, xe cảnh sát, với những đặc quyền riêng và tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Xe được sơn vàng để phân biệt với xe buýt thông thường. Việc Mỹ lựa chọn màu vàng để sơn lên thân xe là vì màu vàng khá nổi bật và dễ thấy trong mọi điều kiện thời tiết.
Tiến sĩ Stephen Solomon, nhà sáng lập Visibility In Motion cho biết: “Dựa trên các tiêu chuẩn năm 1939, màu vàng là một lựa chọn rất thông minh. Mắt người dễ nhìn thấy nhất là màu vàng - từ vàng tươi đến vàng lục. Không có màu nào thu hút sự chú ý hơn hoặc dễ thấy hơn màu vàng."
Bên cạnh màu sắc đặc trưng, luật giao thông Mỹ cũng quy định rõ ràng về việc phải ưu tiên cho xe buýt trường học. Cụ thể, khi xe dừng lại, dù là để đón hay thả học sinh, tấm biển Stop sẽ tự động được mở ra. Tất cả các xe ở 2 chiều đều phải đứng lại và cách xa khoảng 3m.
Nhờ những điều khoản quy định chặt chẽ và được luật hóa thành văn bản, xe buýt trường học ở Mỹ được coi là “Vua của các phương tiện giao thông” và nhiều lần được bình chọn là phương tiện an toàn nhất trên đường.
Theo Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ, trẻ em đi xe buýt thay vì đi bằng ô tô cá nhân đến trường có mức độ an toàn cao hơn 70 lần. Hiện Mỹ có gần 480.000 xe buýt trường học chịu trách nhiệm chở khoảng 25 triệu trẻ em đến trường mỗi ngày.
Tại Canada, chính phủ khẳng định an toàn xe buýt trường học là trách nhiệm chung. Bộ Giao thông vận tải Canada chịu trách nhiệm thiết lập tiêu chuẩn an toàn cụ thể đối với xe buýt trường học, như độ bền của thân xe, bảo vệ chống lật, độ chắc chắn của cấu trúc, cửa sổ xe, các yêu cầu về thoát hiểm khẩn cấp, các thiết bị an toàn, hệ thống phanh và kiểm soát ổn định.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương sẽ đảm bảo an toàn trên các tuyến đường. Những đơn vị này cũng chịu trách nhiệm cấp giấy phép cho tài xế xe buýt trường học, đưa ra các quy định vận hành và bảo trì với xe buýt trường học.
Tại khu vực châu Âu, xe buýt trường học ở Italia thường được sơn màu vàng hoặc cam như ở Mỹ. Xe chạy theo tuyến và điểm dừng cố định. Trong khi đó, ở Đức, thay vì màu vàng đặc trưng, xe buýt chở học sinh ở quốc gia Tây Âu lại có màu xanh lam. Tài xế cũng có thể bật đèn khẩn cấp khi xe ra vào bến, yêu cầu các phương tiện khác không được vượt qua.
Tại Anh, xe buýt trường học thường được Chính phủ tài trợ và phục vụ miễn phí cho học sinh. Các quy định được thiết kế nghiêm ngặt, đặc biệt với các đơn vị vận tải đứng ra nhận thầu xe buýt học sinh từ nhà nước.
Các xe buộc phải đi theo lộ trình đã định và chỉ sử dụng các điểm đón - trả được chỉ định. Lộ trình này đã được các chuyên gia nghiên cứu thuận tiện nhất với học sinh và lựa chọn những tuyến đường có mức độ an toàn giao thông cao nhất. Nếu không tuân theo quy định lộ trình và thời gian biểu, đơn vị vận tải sẽ bị phạt rất nặng.
Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc cũng quy định những chiếc xe buýt chở học sinh từ 11-15 chỗ ngồi đều được sơn vàng. Đây là một điều luật giao thông về bảo vệ trẻ em được ban hành năm 1997. Ngoài ra, từ cuối năm 2018, hệ thống cảnh báo trẻ ngủ quên cũng được trang bị trên xe buýt chở học sinh ở Hàn Quốc.
Xe buýt trường học ở Nhật Bản cũng có màu vàng và thường có hình dáng kỳ lạ được mô phỏng theo các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Pikachu hay Hello Kitty.
Ở Australia, dù không có quy định riêng đối với màu xe buýt trường học, nhưng nước này tích cực áp dụng công nghệ để ngăn chặn nguy cơ trẻ em tử vong vì bị bỏ quên trên xe buýt. Các thiết bị quét hành khách trên xe hay còn gọi là “hệ thống kiểm tra trẻ em” yêu cầu lái xe và người giám sát đi ra phía sau xe buýt và quét đầu đọc thẻ, nhằm đảm bảo kiểm tra tất cả học sinh xuống xe để đi vào trường.
Ở bang New South Wales có quy định cả về những điểm đón xe buýt trường học. Các điểm đón phân thành điểm chính thức (thường trong các đô thị) và điểm đón không chính thức (thường ở nông thôn). Các điểm đón đều được dành một không gian rộng rãi cho học sinh đứng đợi và thoáng tầm mắt cho tài xế. Trước các điểm đón đều có dấu hiệu cho các xe khác đi trên đường giảm tốc và chú ý trẻ em băng qua đường.
Ở Ấn Độ, tài xế xe buýt trường học cần ít nhất 5 năm kinh nghiệm. Mỗi xe cần một quản lý và tất cả các xe đều phải lắp hệ thống định vị, bộ giới hạn tốc độ.
Tại Trung Quốc, mỗi xe buýt trường học phải được cài đặt thiết bị định vị vệ tinh và giới hạn tốc độ.