Quy định phải chặt chẽ, cụ thể và bảo đảm tính khả thi

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, song nhiều đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trong phiên thảo luận tổ sáng nay, 2.11 đề nghị, luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể và bảo đảm tính khả thi...

ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG: “Người tiêu dùng không chỉ là cá nhân mà còn có tổ chức”

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, cùng với xu thế phát triển kinh tế-xã hội, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung phát biểu

ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung phát biểu

Tham gia ý kiến góp ý tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ băn khoăn với giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật "người tiêu dùng” là cá nhân, trong khi theo luật hiện hành thì người tiêu dùng không chỉ là cá nhân mà còn có tổ chức.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, đại biểu cho biết: có nước xác định người tiêu dùng chỉ là cá nhân, nhưng có nước xác định người tiêu dùng vừa là cá nhân, vừa là tổ chức. Một số chuyên gia luật cho rằng, Luật hiện hành quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức là một bước tiến… “Trong mối quan hệ này thì người tiêu dùng là tổ chức cũng ở vào thế yếu cần phải bảo vệ; do đó cần phải có đánh giá tác động của việc trừ đối tượng người tiêu dùng là tổ chức ra khỏi dự thảo Luật”, đại biểu Thái Thị An Chung nêu ý kiến.

ĐBQH PHẠM PHÚ BÌNH: Bảo đảm căn cứ pháp lý chặt chẽ cho người tiêu dùng

ĐBQH Phạm Phú Bình phát biểu

ĐBQH Phạm Phú Bình phát biểu

Theo ĐBQH Phạm Phú Bình, việc sửa đổi dự thảo luật lần này cần tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính… Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, cần cân nhắc quy định riêng các chính sách về hàng hóa và chính sách về dịch vụ; nên làm rõ nội dung nào có thể điều chỉnh chung, nội dung nào cần có quy định riêng để bảo đảm có căn cứ pháp lý chặt chẽ cho người tiêu dùng….

Đại biểu Phạm Phú Bình cũng cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về cơ chế kiểm soát, khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những chính sách mới, đón đầu, đi đúng xu hướng chung của thế giới.

ĐBQH TRẦN NHẬT MINH: Phải bồi thường nếu người tiêu dùng thông tin sai sự thật gây thiệt hại

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Tờ trình của Chính phủ, ĐBQH Trần Nhật Minh đề nghị bổ sung nghĩa vụ là người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin của mình; phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu người tiêu dùng thông tin sai sự thật gây thiệt hại…

ĐBQH Trần Nhật Minh phát biểu

ĐBQH Trần Nhật Minh phát biểu

Đối với các hành vi bị cấm tại điểm d, khoản 1, điều 17 quy định “yêu cầu người tiêu dùng thanh toán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng”, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng: Quy định này gây khó khăn cho các bên khi tham gia giao dịch. Bởi, theo cách hiểu thông thường, người tiêu dùng mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì đương nhiên phải thanh toán các chi phí (trừ các loại hàng hóa có giá trị lớn hoặc có hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung)... Nhìn chung, các giao dịch hàng hóa thông thường nếu áp dụng quy định này sẽ không phù hợp. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc tính khả thi của quy định này, bởi trong thực tế xảy ra nhiều vi phạm nhưng không đủ nguồn lực để bảo đảm việc giám sát hiệu quả.

Cũng theo đại biểu Trần Nhật Minh, quy định tại điều 24 của dự thảo luật về giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là chưa phù hợp và thiếu bình đẳng trong quan hệ thị trường. Do đó, cần phải giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng và quy định rõ cơ quan nào sẽ là người giải thích? Đồng thời, Luật nên quy định hai bên tự thỏa thuận, nếu như không thỏa thuận được thì giải quyết bằng tranh tụng…

“Liên quan đến việc thông báo thông tin về vụ án dân sự, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện tại điều 72 của dự thảo luật, Ban soạn thảo cần cân nhắc sửa đổi theo hướng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm đưa thông tin đối với các vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có vi phạm)…”, đại biểu đề xuất.

ĐBQH HOÀNG THỊ THU HIỀN: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch mua hàng qua không gian mạng

Bày tỏ đồng ý với quan điểm bỏ cụm “quyền lợi” và lấy tên là Luật Bảo vệ người tiêu dùng khi sửa luật này, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng: Dự thảo Luật không chỉ quy định về quyền lợi mà còn trách nhiệm của người tiêu dùng… Cũng theo đại biểu, cần bổ sung thêm quy định về việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ giao dịch tại điều 16 (quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng). Bởi, người tiêu dùng Việt Nam đa số khi mua hàng không lấy hóa đơn; điều đó dẫn đến tranh chấp thì khó có chứng cứ… Đại biểu cũng đề nghị, dự thảo luật cần quy định một cách chặt chẽ, cụ thể hơn và bảo đảm tính khả thi để ngăn chặn việc lạm dụng điện thoại quấy rối người tiêu dùng để giới thiệu sản phẩm (vốn dĩ hiện nay rất phổ biến), nhất là liên quan đến bất động sản. Bởi, theo bà Hiền, điều này làm người tiêu dùng rất phiền hà.

ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền phát biểu

ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền phát biểu

Liên quan đến các hành vi cấm quy định về đền bù, trả hàng quy định tại điểm h, khoản 1, điều 17, bà Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng: Trong thực tế giao dịch điện tử, nhất là trên không gian mạng phần lớn không đúng như quảng cáo, dẫn đến việc trả lại. Theo đó, để giải quyết tranh chấp là rất khó, phần lớn những cuộc giao dịch này là chấp nhận cho qua… Từ thực tiễn khách quan, đại biểu đề nghị, cần phải có sự bổ sung quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch mua hàng qua không gian mạng; trong đó quy định về trách nhiệm đền bù hoặc quyền được trả hàng nếu không đúng như quảng cáo, giới thiệu của người bán hàng.

Về tổ chức xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng: mặc dù được quy định rõ và rất dài (điều 48 đến điều 52), nhưng còn nhiều bất cập và mất cân đối trong việc quy định tính hiệu lực của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, cần phải có các quy định cụ thể để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tính chủ động và khách quan đối với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi qua tham khảo một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... cho thấy, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các nước này có hiệu lực rất cao, có thể khởi kiện những vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- đại biểu nêu dẫn chứng.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/quy-dinh-phai-chat-che-cu-the-va-bao-dam-tinh-kha-thi-i305744/