Quy định pháp lý còn gây khó cho cán bộ trong thực thi nhiệm vụ
Theo đại biểu Quốc hội, các căn cứ pháp lý, quy định còn chưa đồng nhất đang gây khó cho đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ công vụ, do đó chưa thể chấn chỉnh, khắc phục được triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Cán bộ không thể làm vì căn cứ pháp lý, quy định không đồng nhất
Sáng 23/5, phát biểu tại phiên thảo luận Tổ của Quốc hội, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Điện Biên nêu thực tế, tại tỉnh Điện Biên, trong triển khai và áp dụng pháp luật còn có những vướng mắc chưa được quan tâm giải quyết.
Đại biểu cho biết, các cơ quan chức năng của địa phương và đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã nhiều lần phản ánh, đề đạt ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ, các bộ nhưng còn một số vấn đề thực tế vướng mắc mà địa phương không dám làm vì nhận thức rõ hậu quả về mặt pháp lý nếu khi có sự kiện xảy ra.
Đại biểu nêu thí dụ, giữa nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật bảo vệ môi trường có sự xung đột nhau, khi Luật tài nguyên nước hiện hành ban hành năm 2012 và Luật sửa đổi năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 quy định: Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cả 2 luật đều quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết thực hiện.
Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thực hiện 2 nội dung trên của 2 luật này thì rất vướng về thẩm quyền. Hiện nay không có cơ quan nào được giao thẩm quyền đánh giá tác động môi trường đối với thủy điện có công suất từ 2MW đến dưới 20MW.
Đại biểu Luyến cho biết, địa phương đề xuất kiến nghị đã nhiều lần nhưng vẫn chưa được tiếp thu, chưa được quan tâm giải quyết, dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và khó khăn cho doanh nghiệp.
“Với những quy định còn có sự xung đột như trên thì không thể nói địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ được, đồng nghĩa với việc sẽ không chấn chỉnh, khắc phục được triệt để vì nguyên nhân chính không phải từ việc thiếu tinh thần trách nhiệm của địa phương, của cán bộ công chức, rằng là thấy quy định đúng rồi, rõ rồi nhưng không làm, mà không thể làm vì căn cứ pháp lý quy định không đồng nhất”, đại biểu nêu rõ.
Thời gian tới Luật Tài nguyên nước năm 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật. Đối với thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đại biểu tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ quan tâm về thẩm quyền của UBND tỉnh theo hướng cho phép UBND tỉnh được cấp phép đối với các công trình thủy điện có công suất dưới 20MW cho đồng nhất với các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đối với các vướng mắc từ những quy định của pháp luật từ thực tế áp dụng trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cần được rà soát thường xuyên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Quan trọng là khi đã có sự không đồng nhất thì cần sửa đổi bổ sung kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc triển khai áp dụng pháp luật, cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức có cơ sở, căn cứ pháp lý rõ ràng trong việc thực thi nhiệm vụ công vụ, như vậy mới kỳ vọng khắc phục được tình trạng né tránh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức”, đại biểu Luyến nhấn mạnh.
Tạo động lực cho cán bộ để bảo đảm chất lượng hoạt động bộ máy
Đánh giá về tinh thần trách nhiệm và chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho biết, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa quyết liệt, kịp thời, có tâm lý tránh né, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai. Đây là vấn đề không mới, các báo cáo gần đây của Chính phủ đều đã nêu và các năm đều nhắc lại nhưng chưa có đánh giá cụ thể về giải pháp chuyển biến.
“Cán bộ phải biết sợ sai để không làm sai nhưng không thể sợ trách nhiệm, sợ việc mình phải thực hiện. Đây là vấn đề không mới, toàn xã hội thấy” - đại biểu nói và đề nghị Chính phủ phải có báo cáo hàng năm, đánh giá cụ thể, có định lượng, không chung chung để xử lý nghiêm triệt để mới có thể tạo chuyển biến.
Theo đại biểu, trong báo cáo Chính phủ, vừa qua đã có gần 18 nghìn cán bộ bị kỷ luật nhưng theo đại biểu Đồng Ngọc Ba cần nêu cụ thể những vi phạm luật công chức, đạo đức công vụ có biểu hiện trốn tránh nhiệm vụ, thoái thác, tự ý bỏ vị trí công việc.
Theo đại biểu, cơ quan nào có nhiều công chức trốn tránh, thoái thác trách nhiệm thì cần có biện pháp chấn chỉnh, nhất là xem xét trách nhiệm lãnh đạo, người đứng đầu.
Đại biểu cũng cho rằng, chất lượng cán bộ có sự liên quan mật thiết đến chất lượng hoạt động bộ máy nhà nước. Do đó, cần xây dựng vị trí việc làm cho khoa học, đúng người đúng việc, rõ nhiệm vụ, trách nhiệm thì hiệu quả mới tốt.
Vị trí việc làm phù hợp thì cũng là tiền đề không thể thiếu để cải cách tiền lương. Nếu cải cách tiền lương trên nền hệ thống vị trí việc làm chưa bảo đảm thì sẽ không bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Thêm vào đó, rất cần đẩy nhanh sửa đổi Luật Công chức để đẩy nhanh cải cách vị trí việc làm cùng với đẩy nhanh cải cách tiền lương, đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu rõ.
Cũng đề cập giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho biết, Thủ tướng đã có 4 công điện, Bộ trưởng Nội vụ cũng đã tích cực chỉ đạo nhưng chưa có chuyển biến rõ nét.
Đại biểu đoàn Bình Thuận cho biết, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội trong đó có ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa Điều 219 của Bộ luật Hình sự. Trong sửa luật cần bổ sung những yếu tố không vụ lợi thì trong quá trình xử lý phải phân loại.
“Nếu có tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, trong trường hợp làm việc có tính toán sai sót, không vụ lợi thì chúng ta xem xét xử lý cho hợp lý. Điều này giúp cán bộ công chức thực sự mạnh dạn hơn, khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh”, ông Sỹ nói.
Đại biểu cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng nên áp dụng sớm, trong đó phải làm thế nào để cách tính giá đất dễ thực hiện, từ đó tạo thuận tiện cho cán bộ trong cơ quan tham mưu. “Nếu Luật Đất đai không có hướng dẫn kỹ về nội dung thẩm định giá đất thì sau này rất khó triển khai”, ông Sỹ nói.