Quy định quán phở, tiệm nail cũng phải có phòng y tế: Đụng đâu sai đó
Quán phở, tiệm nail, cửa hàng bán lẻ… có sử dụng lao động đều phải có phòng y tế hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế. Những quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh về an toàn, vệ sinh lao động như thế này (theo Nghị định 39/2016-NĐ-CP) đang khiến cả xã hội làm sai, 'kiểm tra đâu vi phạm đó'.
“Rất nhiều điều kiện, quy định không những không đạt được mục tiêu bảo vệ, bảo đảm an toàn mà chỉ gây nhiều khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phát biểu tại một hội thảo về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động do CIEM tổ chức ngày 4/12, tại Hà Nội.
Bất cập như ông Cung nói được nhiều chuyên gia khẳng định đang hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dẫn chứng: Hiện có quy định bình khí nén phải đươc kiểm định mặt trong của bình. Nếu vậy thì phải chui vào trong bồn khí gas để kiểm định, mà thực tế thì không thể chui vào trong bồn khí gas.
Hay, để làm đúng phương pháp theo quy định về điều hòa tổng cho tòa nhà thì phải rút toàn bộ dung môi ra, như vậy phải tắt điều hòa, tắt thông gió trong 3-5 ngày. Như vậy chi phí rất lớn, và cũng ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Nhiều quy định “tréo ngoe” khác cũng đang làm khó nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Minh Quân, đến từ Công ty cổ phần Kiểm định kiểm tra an toàn quốc gia ở TP.HCM, dẫn chứng, cùng là cần trục bánh lốp, bánh xích, cần trục tháp, thuộc cùng một nhóm thiết bị nâng, cùng được áp dụng một tiêu chuẩn an toàn TCVN 4244:2005 và quy chuẩn an toàn QCVN 7:2012 nhưng Bộ Xây dựng thì quản lý cần trục tháp, các cần trục còn lại thì thuộc quyền Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Khi các đối tượng thiết bị này vào làm việc tại cảng hàng không, cảng thủy, nhà máy đóng tàu, nhà máy sửa chữa tàu thì lại thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Doanh nghiệp muốn hoạt động dịch vụ kiểm định thiết bị nâng này thì phải xin giấy phép đồng thời ở cả 3 bộ. Kiểm định viên muốn hành nghề thì phải đi học nghiệp vụ kiểm định cùng một loại thiết bị tại cả 3 bộ nêu trên.
Cùng góc nhìn, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cũng chỉ ra những thứ vô lý. Trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì nay có khi phải xin giấy phép của 10 bộ với cùng một nội dung công việc.
Đáng lưu ý hơn, cũng theo ông Quân, vì là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên hoạt động của doanh nghiệp có nhiều ràng buộc, phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước và hiện nay, rất nhiều cán bộ của các bộ, bở, ngành quản lý lĩnh vực có doanh nghiệp riêng hoặc doanh nghiệp sân sau, gây xung đột lợi ích, gây bất lợi, khó khăn cho các doanh nghiệp khác.
“Đây thực sự là một điểm đen cho môi trường kinh doanh lành mạnh”, ông Quân nói. “Nếu không có biện pháp cải cách thì nguy hiểm vô cùng”.
Với những bất cập, vô lý đã nêu, theo ông Cung: “Có thể điều đó sẽ khiến cho đầu tư từ Mỹ và châu Âu vào Việt Nam không cao như chúng ta mong muốn. Mặt khác, nguy cơ vi phạm pháp luật như vậy còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với nước ngoài, vốn là nơi mà tuân thủ pháp luật là một tiêu chí quan trọng”.