Quy định quyền hạn và cơ cấu tổ chức Viện Nghiên cứu lập pháp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Theo đó, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ công bố Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện nghiên cứu Lập pháp và phiên họp thứ nhất của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/10. Ảnh: Lê Tuyết

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ công bố Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện nghiên cứu Lập pháp và phiên họp thứ nhất của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/10. Ảnh: Lê Tuyết

Nghị quyết cũng quy định 9 nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp, trong đó có nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu để tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thu hút chuyên gia và cộng tác viên tham gia hoạt động nghiên cứu và tổ chức cung cấp thông tin khoa học lập pháp....

Về cơ cấu tổ chức, Viện Nghiên cứu lập pháp có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và công chức, viên chức, người lao động.

Biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ngoài số biên chế theo quy định, Viện Nghiên cứu lập pháp được sử dụng chế độ chuyên gia và cộng tác viên.

Viện này có 5 đơn vị trực thuộc: Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước; Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội; Ban Quản lý khoa học; Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Viện Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước hoạt động theo cơ chế hành chính, có con dấu, tài khoản riêng.

Kinh phí hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, nhiệm vụ đột xuất thì giao thêm kinh phí. Cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội thực hiện vai trò cơ quan quản lý tài chính cấp trên đối với Viện Nghiên cứu lập pháp./.

N.T/VOV.VNViên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quy-dinh-quyen-han-va-co-cau-to-chuc-vien-nghien-cuu-lap-phap-896640.vov