Quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp nhận, xử lý và giám sát khiếu nại tố cáo
Tiếp tục Kỳ họp thứ, 8, sáng 26/11, cho ý kiến về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), nhiều đại biểu nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); đồng thời đề nghị Quốc hội, UBTVQH ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn ĐBQH với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết KNTC.
Công khai thông tin về tiến độ và kết quả xử lý khiếu nại tố cáo trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Cho ý kiến về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đại biểu khẳng định, giải quyết khiếu nại, tố cáo KNTC không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri ngày càng được các cơ quan có thẩm quyền, các Bộ ngành, quan tâm chú trọng. Các Bộ ngành đã tích cực xem xét, nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền phụ trách. Tiếp thu các kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật của cử tri, nhiều Luật và các văn bản hướng dẫn đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tạo thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết KNTC vẫn tồn tại không ít bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả và niềm tin của người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp băn khoăn về số lượng văn bản trả lời của các bộ, ngành trung ương gửi đến địa phương chủ yếu là cung cấp thông tin, giải trình, còn số văn bản phản ánh việc giải quyết vấn đề rất ít. Đại biểu dẫn chứng, trong báo cáo việc trả lời cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, có 2.112 văn bản trên tổng 2.160 văn bản kiến nghị được trả lời (chiếm 97,7%) – một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, số ý kiến cung cấp thông tin là 1.609 (chiếm 79%), còn nghiên cứu, xem xét giải quyết chỉ được 151 ý kiến, chiếm 7,2%, như vậy không đáp ứng được mong muốn của cử tri.
“Việc giao cho các bộ, ngành trả lời rất nhiều (trên 2.000 văn bản) cho thấy rằng mất rất nhiều thời gian và hiệu quả theo đánh giá của cá nhân tôi cũng chưa hẳn đã cao và mức độ đáp ứng mong mỏi của cử tri cũng chưa phải là lớn. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần có sự nghiên cứu để hoạt động trả lời kiến nghị của cử tri phải thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh tính hình thức để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, của bộ, ngành trung ương cũng như đáp ứng mong đợi của cử tri”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu ý kiến.
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Quốc hội, UBTVQH ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn ĐBQH với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát KNTC. Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để tăng cường quyền giám sát của Quốc hội, UBTVQH và Đoàn ĐBQH, đặc biệt trong các vụ việc phức tạp. Quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát.
Xem xét bổ sung vào Điều 30 về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Điều 31 về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội theo Nghị quyết số 334 nội dung: “Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri”. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, thống nhất thành lập Phòng Thông tin – Dân nguyện tại tất cả các Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 1004 của UBTVQH, nhằm thống nhất công tác này tại Đoàn ĐBQH các địa phương trong cả nước.
Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý KNTC tập trung, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan để giám sát toàn bộ quy trình xử lý từ tiếp nhận đến giải quyết. Quy định rõ giới hạn số cấp được phép chuyển đơn, tối đa không quá hai cấp để đảm bảo hiệu quả xử lý. Công khai thông tin về tiến độ và kết quả xử lý KNTC trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, tạo điều kiện để người dân theo dõi. Định kỳ tổ chức các buổi đối thoại công khai với cử tri về kết quả giải quyết KNTC, đặc biệt là các vụ việc lớn hoặc kéo dài.
Tiếp tục giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị qua nhiều kỳ họp
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao Báo cáo của UBTVQH đã đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc. Đây là những kiến nghị qua nhiều kỳ họp đã được các đại biểu nêu và cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Qua tiếp xúc cử tri và thực tiễn của địa phương, đại biểu Chu Thị Hồng Thái phản ánh ý kiến đối với ngành giáo dục, đề nghị Chính phủ và Bộ giáo dục quan tâm. Theo đó, cử tri Lạng Sơn đề nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung đối tượng là trẻ em nhóm tuổi nhà trẻ (từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi) được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa. Kiến nghị này cũng đã được cử tri các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhưng chưa có dự kiến trả lời, giải quyết.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhất trí với chủ trương về sắp xếp tinh gọn bộ máy nhằm tiết kiệm ngân sách, tinh gọn bộ máy cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hạn chế tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và cần phải thực hiện quyết liệt hơn theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, nhất là địa bàn miền núi còn có những khó khăn, bất cập, việc sắp xếp chủ yếu là dồn các điểm trường về trường chính hoặc sáp nhập các trường trên cùng địa bàn thành các trường liên cấp, có nơi khoảng cách 2 trường khá xa (có trường cách nhau đến 20km), quy định về định mức giờ dạy đối với 2 cấp học khác nhau (cấp tiểu học 23 tiết/ tuần, cấp THCS là 19 tiết/tuần) gây khó khăn cho việc quy định số tiết dạy cho giáo viên dạy trường liên cấp, tiêu chí về cơ sở vật chất của trường liên cấp, chế độ cho giáo viên, kinh phí cấp theo biên chế nên cũng rất eo hẹp, cùng với đó tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng một số môn học cũng là vấn đề khó khăn đối với ngành giáo dục tại các tỉnh miền núi.
Hơn nữa, tại dự thảo Luật Nhà giáo đã có nội dung quy định về nhà giáo dạy liên trường, liên cấp. Tuy nhiên, trong khi chờ Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn đối với giáo viên dạy liên trường, ngoài ra cử tri giáo viên kiến nghị có hướng dẫn đối hỗ trợ kinh phí với giáo viên dạy lớp ghép ở cấp tiểu học đối với giáo viên bộ môn như Tiếng anh, để năm học tới giáo viên dạy liên trường, liên cấp, dạy lớp ghép yên tâm công tác.
Theo đại biểu, những vấn đề trên đều không mới, nhưng chưa được giải quyết, do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp quyết liệt hơn nữa để giải quyết những khó khăn, bất cập của ngành.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng phản ánh những kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội cho chủ hộ kinh doanh cá thể đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn, vướng mắc trong việc yêu cầu giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống khi bên được yêu cầu giám định không hợp tác trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; khó khăn liên quan đến thanh quyết toán kinh phí COVID-19 gây rất nhiều khó khăn, áp lực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng; việc di dời đường dây 500 kV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, đồng thời cũng tạo không gian phát triển về kinh tế - xã hội cho địa phương…
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91300