QUY ĐỊNH RÕ DANH MỤC DỊCH VỤ VIỄN THÔNG ĐỂ LÀM CĂN CỨ XÁC ĐỊNH PHƯƠNG THỨC, QUY TRÌNH HỖ TRỢ
Đóng góp vào việc hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ Tài chính đề nghị quy định rõ các danh mục dịch vụ viễn thông công ích do Nhà nước cung cấp cho người dân và những danh mục viễn thông công ích mà người dân được thụ hưởng để làm căn cứ xác định phương thức, quy trình hỗ trợ....
Dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) sẽ tiếp tục được quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới. Tại Phiên họp lần thứ 7 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 92 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến tại Tổ, 21 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường và 01 ý kiến của ĐBQH góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Ngày 24/8/2023, tại Phiên họp tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 29/8/2023, Thường trực Ủy ban đã báo cáo về nội dung này tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 Chương, 73 Điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 53 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 06 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 08 Điều.
Nghiên cứu miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông sử dụng chung đối với các trường hợp cấp bách
Cho đến nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến của các Bộ ngành để chỉnh lý dự thảo Luật sao cho đảm bảo tính khả thi, chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội xem xét.
Trên cơ sở báo cáo tiếp thu, giải trình về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tại khoản 2.2 trong Báo cáo số 87/BC-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về một số vấn đề lớn cần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), thay mặt Bộ Tài chính, bà Đinh Thị Nương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, Bộ đề nghị bổ sung vào Điều 30, 31, 32 của dự thảo Luật để hoàn thiện quy định về hoạt động viễn thông công ích, quản lý hoạt động viễn thông công ích và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông với đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (điểm b khoản 2.3 Báo cáo), trong Báo cáo nêu “Có ý kiểu ĐBQH đề nghị bổ sung việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, bên cạnh việc thực hiện thông qua hợp đồng thì phải ưu tiên miễn phí đối với các trường hợp cấp bách, các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Có ý kiến đề nghị cân nhắc, bổ sung cơ quan quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông với tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh".
Theo báo cáo giải trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, “Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ quy định việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật (trong đó có công trình viễn thông, đã quy định tại điểm a khoản 3 Điều 18 giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dụng hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuế, quy định việc miễn, giảm giá phục vụ hoạt động công ích quốc phòng, an minh theo quy định pháp luật. Như vậy, đối với các vấn đề liên quan đến cơ chế miễn, giảm giá thuê cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh, cơ chế hạch toán chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện việc miễn, giảm giá... cần được quy định tại các pháp luật khác có liên quan mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Về nội dung trên, bà Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Thực tế, thời gian qua đã phát sinh yêu cầu về miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (trong đó có công trình viễn thông) trong các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn số 7865/BTC-QLG ngày 28/7/2023 báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng miễn phí hạ tầng kỹ thuật dùng chung trong ngành Công an. Theo đó, qua rà soát pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể làm cơ sở để thực hiện miễn phí sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật (trong đó có công trình viễn thông) đối với các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó, các Bộ đã thống nhất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ rà soát quy định tại Luật, trong đó có rà soát Luật Viễn thông để bổ sung quy định miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (hạ tầng viễn thông) đối với các công trình phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tiếp thu ý kiến đề nghị của ĐBQH để bổ sung vào Luật nội dung quy định miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông sử dụng chung đối với các trường hợp cấp bách, các trưởng hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh làm cơ sở giải quyết các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn.
Về dự thảo Luật Viễn thông, trên cơ sở sự cần thiết như nội dung trình bày tại khoản 2 mục I trên đây và ý kiến của ĐBQH, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một điều quy định về miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông sử dụng chung đối với các trường hợp cấp bách, các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, trong đó bổ sung quy định cụ thể về trường hợp, đối tượng, điều kiện, cấp có thẩm quyền quy định việc miễn phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
Quy định rõ danh mục dịch vụ viễn thông để làm căn cứ xác định phương thức, quy trình hỗ trợ
Tại Điều 30, Điều 31, Bộ Tài chính đề nghị quy định rõ các danh mục dịch vụ viễn thông công ích do Nhà nước cung cấp cho người dân và những danh mục viễn thông công ích mà người dân được thụ hưởng để làm căn cứ xác định phương thức, quy trình hỗ trợ. Đồng thời, rà soát lại thẩm quyền của Chính phủ quy định danh mục dịch vụ viễn thông công ích tại điểm a khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật để đồng bộ với thẩm quyền quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Về phương thức hỗ trợ: Tại khoản 4 Điều 30 quy định gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ đối với các loại dịch vụ, đối tượng cụ thể hay thẩm quyền quyết định để thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát quy định cụ thể để có căn cứ thực thi.
Về phương thức tính mức hỗ trợ: Bộ Tài chính đề nghị quy định cụ thể đối với những trường hợp đặc thù thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng và hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng sử dụng tại điểm b khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật để tránh phải ban hành nhiều văn bản dưới Luật về cơ chế đặc thù, riêng cho lĩnh vực.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật thì Chính phủ quy định về mức đóng góp tối đa vào Quỹ Viễn thông công ích. Tuy nhiên, cơ quan quyết định mức đóng góp cụ thể thì chưa được xác định. Đề nghị bổ sung tại Điều 31 dự thảo Luật quy định mức thu cụ thể do Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tưởng Chính phủ quyết định (hoặc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định) sau khi lấy ý kiến của Bộ, ngành có liên quan.
Tại Điều 32, bà Đinh Thị Nương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, nghiên cứu quy định rõ cơ chế hoạt động, chế độ tài chính tại dự thảo Luật. Vì hiện nay, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Quyết định số 1901/QĐ-TTg ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật đang quy định “Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách..."; Quỹ không có chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước nên chưa đảm bảo điều kiện và sự đồng bộ với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Về quy định mục đích sử dụng Quỹ chi hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích, hỗ trợ thiết bị đầu cuối tại mục b, c, khoản 4 Điều 32 dự thảo Luật. Nội dung này có thể trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước nếu đối tượng được hỗ trợ là tổ chức đang sử dụng kinh phí ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách. Ví dụ: đồn biên phòng, nhà văn hóa xã, trung tâm cụm xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nếu hỗ trợ các dịch vụ viễn thông phổ cập hoặc thiết bị đầu cuối sẽ trùng với nhiệm vụ chỉ ngân sách (trong kinh phí hoạt động của các đơn vị này đã bao gồm chi phi dịch vụ viễn thông). Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định rõ đối tượng được hỗ trợ để không bị trùng lặp; có thể là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc sống ở vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Về quy định nội dung chỉ quản lý hoạt động viễn thông công ích và cho hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tại điểm d khoản 4 Điều 32 dự thảo Luật: Bộ Tài chính cho rằng, quy định như dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu là chỉ quản lý hoạt động viễn thông công ích nội chung (bao gồm cả nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông từ trung ương đến địa phương) cũng được hỗ trợ từ Quỹ, khi đó sẽ trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. Do vậy, để đảm bảo không trùng lặp với ngân sách nhà nước và thực hiện thống nhất, Bộ Tài chính đề nghị tách quy định tại điểm này này thành 02 điểm riêng, cụ thể: “d) Chi quản lý hoạt động viễn thông công ích giao cho Quỹ Viễn thông công ích thực hiện; d) Chỉ cho hoạt động bộ máy của Quỹ Viễn thông công ích.
Qua rà soát nội dung liên quan tại Luật Viễn thông và Quyết định số 90/QD-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy, có sự trùng nhau về mục tiêu và đối tượng, phạm vi hỗ trợ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Luật Viễn thông: Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, có sự trùng nhau về các nội dung hỗ trợ tại Luật Viễn thông như: Hỗ trợ phát triển, nâng cấp, duy trì cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các khu vực miền núi, biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 như: Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đổi ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới; Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; Trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh trang bị cơ sở vật chất, nền tảng cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội; Hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội, ưu tiên đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo".
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 như: Phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn (theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hưởng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tưởng Chính phủ); Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát và thuyết minh bổ sung về đối tượng, phạm vi, nội dung chỉ giữa các Chương trình, để án đang triển khai thực hiện và các nội dung tại dự thảo Luật Viễn thông để đảm bảo không trùng lặp.
Tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính: "Tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề". Do đó, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu và tham khảo thêm các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Luật Quản lý thuế và khoản 1 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xem xét sửa đổi khoản 1 Điều 40 và khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động.
Tại Điều 47 về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông với các tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh nhằm bảo đảm yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; hoạt động phòng, chống thiên tai; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị làm rõ “cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông" tại khoản 3 và “cơ quan chuyên môn về viễn thông thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh" tại khoản 4.
Đảm bảo giá cước dịch vụ viễn thông phù hợp với quy định của Luật Giá
Theo bà Đinh Thị Nương, tại Điều 56, 57, 58, 59 về giá cước dịch vụ viễn thông, ở kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024), Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các quy định tại Luật giá để tham mưu hoàn thiện quy định về giá cước viễn thông cho phù hợp với quy định tại Luật Giá và thực tế quản lý ngành, lĩnh vực.
Tại Điều 59, điểm b khoản 1, đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định giá thành dịch vụ viễn thông phương pháp xác định giá cước viễn thông,” theo đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Giá 2023.
Tại điểm d khoản 3 Điều 59, đề nghị cân nhắc bỏ nội dung hướng dẫn về hạch toán chi phi, xác định giá thành. Riêng nội dung về niêm yết giá, kê khai giả đề nghị gộp, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định của 2 điểm này như sau: "d) Thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước viễn thông theo quy định của pháp luật về giá".
Thực hiện kê khai giả, niêm yết giá cước viễn thông theo quy định của pháp luật về giá
Tại Điều 65 về thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, bà Đinh Thị Nương đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nội dung về việc lắp đặt công trình viễn thông tại khoản 1 Điều 65 dự thảo Luật, trong đó làm rõ: Công trình viễn thông bao gồm cụ thể loại tài sản nào? Công trình viễn thông nào được xây dựng, lắp đặt trên: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức; Đất và tài sản của lực lượng vũ trang nhân dân; Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng: Điều kiện, nguyên tắc lắp đặt...? Trường hợp không quy định cụ thể trong dự thảo Luật thì giao Chính phủ quy định chi tiết về việc xây dựng, lắp đặt cũng như nguyên tắc lắp đặt, cơ chế khai thác, quản lý.
Bộ Tài chính đề nghị bỏ cụm từ "được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” tại khoản 1 Điều 65 dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Lý do là theo quy định tại khoản 4 Điều 34, khoản 4 Điều 54 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng nhà ở công vụ, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và tài sản cộng khác để khai thác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 65 dự thảo Luật như sau: “a) Không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, đến hoạt động của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công, đến công năng sử dụng của tài sản cộng mà công trình viễn thông được lắp đặt"./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80547