Quy định rõ hơn trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán

Chiều 8/5, thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Tây Ninh) về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần thiết quy định rõ hơn nữa trách nhiệm giữa thanh tra và kiểm toán để tránh chồng chéo hoạt động của 2 đơn vị này. Ngoài ra, những gì đã thanh tra thì không nên kiểm toán lần nữa, nếu không sẽ gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9. Ảnh: T. Tâm

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9. Ảnh: T. Tâm

“Những gì đã thanh tra không nên kiểm toán lần nữa”

Góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) về quy định thời hạn thanh tra tại Điều 20, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, với sự thay đổi như dự thảo Luật thì thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ kéo dài hơn rất nhiều.

Theo đó, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành hiện nay là không quá 60 ngày nhưng theo dự thảo Luật thì là không quá 60 ngày “làm việc”, tương đương 84 ngày (12 tuần), tăng 40%. Nếu tính cả 2 lần gia hạn thì thời hạn tối đa của một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành sẽ là 120 ngày “làm việc”, tương đương 24 tuần (6 tháng) là quá dài. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, chưa phù hợp với chủ trương “trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức” mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị tính “ngày” thành “ngày làm việc” như đề xuất trong dự thảo Luật mà giữ nguyên như quy định hiện hành.

Liên quan đến hoạt động thanh tra quy định tại Chương VII về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo Luật để xử lý chồng chéo, mâu thuẫn giữa các hoạt động thanh tra với kiểm toán. Tuy nhiên cần thiết phải quy định rõ ràng hơn nữa trách nhiệm giữa thanh tra và kiểm toán để tránh chồng chéo giữa hoạt động của 2 đơn vị này. “Ngoài ra, những gì đã thanh tra thì không nên kiểm toán lần nữa, nếu không sẽ gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Băn khoăn về sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Thanh tra nhà nước với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cần nghiên cứu quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát.

ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Cùng góp ý về thời hạn thanh tra, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị tính “ngày” thành “ngày làm việc” như đề xuất trong dự thảo Luật. Cùng với đó, cần rà soát kỹ các quy trình, thủ tục, các khâu trong công tác thanh tra để đáp ứng yêu cầu của chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay, cần cải cách các thủ tục hành chính theo hướng rút gọn.

“Các cơ quan thanh tra khác này sẽ hoạt động ra sao về vị trí, tiêu chuẩn, phối hợp như thế nào so với các cơ quan thanh tra đã quy định trong dự án Luật. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc bổ sung này theo kết luận tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu kiến nghị.

Tránh chồng chéo chức năng khi tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát

Đồng tình với việc sửa đổi Luật Thanh tra, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) góp ý về hệ thống cơ quan thanh tra quy định tại Điều 7 của dự thảo. Băn khoăn về “các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ” được nêu trong Điều này, đại biểu cho rằng, không rõ việc thành lập các cơ quan thanh tra khác này được vận hành theo cơ chế nào, hoạt động ra sao theo yêu cầu của Chính phủ. Do đó, đề nghị nên thống nhất các cơ quan thanh tra để khi hoạt động sẽ tổ chức thực hiện đúng, đủ các hoạt động theo luật định.

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

“Các cơ quan thanh tra khác này sẽ hoạt động ra sao về vị trí, tiêu chuẩn, phối hợp như thế nào so với các cơ quan thanh tra đã quy định trong dự án Luật. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc bổ sung này theo kết luận tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu kiến nghị.

Về hình thức thanh tra tại Điều 9, dự thảo Luật quy định có 2 hình thức thanh tra là hoạt động thanh tra tiến hành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Băn khoăn hình thức thanh tra đột xuất, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung thêm chủ thể phát hiện dấu hiệu vi phạm để tiến hành thanh tra đột xuất; đồng thời, bổ sung các tiêu chí, quy định để có cơ chế tổ chức kế hoạch thanh tra đột xuất cho phù hợp để tránh tùy nghi trong tổ chức thực hiện ở các đơn vị được thanh tra.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Thảo luận tại Tổ, một số đại biểu cũng đề nghị cần rà soát lại các điều khoản về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thanh tra. Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), trong dự thảo Luật có quy định về chức năng trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “lãng phí” để thống nhất “công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” ở các điều Luật.

Bên cạnh đó, trong việc sửa đổi lần này đã bỏ đi thanh tra của bộ, sở, huyện và đưa chức năng về cơ quan thanh tra, như: Trung ương có Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên, việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh trong dự thảo cần phải rà soát lại bởi việc quy định vẫn giống như quy định của luật hiện hành.

Đại biểu Nhi cũng đề nghị cần có quy định để tránh chồng chéo chức năng giữa việc khi tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát. Hiện nay, tại Điều 4 của dự thảo Luật mới quy định việc tránh chồng chéo giữa công tác thanh tra và thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán nhưng trong thực tế vẫn còn tình trạng trùng về thời gian, nội dung, địa bàn khi thực hiện các công tác này. Đặc biệt trong thời gian tới đã bỏ thanh tra bộ, sở, ngành thì công tác thanh tra cần được tăng cường nhiều hơn. Do vậy việc trùng lặp, chồng chéo vẫn có thể xảy ra nên cần quy định cụ thể để tránh việc chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị.

Nhấn mạnh việc sửa đổi dự án Luật lần này cơ bản đã bám sát chủ trương của Đảng, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị xem xét kết luận thanh tra từ Luật hiện hành cho đến Luật này. Đại biểu cho rằng, cần có cơ chế về kiến nghị, đối tượng thanh tra được khiếu nại, kiến nghị nội dung trong kết luận thanh tra vì hiện nay vẫn còn khoảng trống pháp luật về nội dung này.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

“Vậy phải có một cơ chế kiến nghị như thế nào? Chẳng hạn cần phải có một cơ chế để cho những đối tượng thanh tra sẽ kiến nghị và cơ chế xử lý kiến nghị này như thế nào cũng cần phải đặt ra. Nếu như không quy định ở trong Luật thì phải có những nguyên tắc để sau đó giao các cơ quan quy định chi tiết hơn trong các văn bản dưới Luật”, đại biểu phân tích.

Nhận thấy dự thảo Luật chưa thống nhất quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên tại các Điều 38, 39, 40, đại biểu cho rằng, các Điều này vẫn còn quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó, Chánh Thanh tra không có quyền xử phạt vi phạm hành chính này. Do chưa có sự thống nhất, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cần phải làm rõ hơn nội dung này và vấn đề đặt ra là có thực hiện nhiệm vụ thanh tra hay không? Đồng thời, cần lý giải rõ về việc bỏ hết các thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ bỏ một phần.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp thêm nhiều ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Các ý kiến cơ bản đồng tình, nhất trí cao về những nội dung sửa đổi, bổ sung tại các dự án Luật.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quy-dinh-ro-hon-trach-nhiem-giua-thanh-tra-voi-kiem-toan-10371793.html