Quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

Cho rằng quy định về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) còn chưa rõ ràng, đại biểu đề nghị hành vi trốn đóng cần phải được đồng bộ hóa với luật hình sự, đồng thời quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc chậm, nợ và trốn đóng BHXH.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Quốc hội

Góp ý về nội dung biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Phú Thọ cho rằng, biện pháp xử lý của 2 điều 39, 40 về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm trong dự thảo Luật cơ bản giống nhau.

“Vì vậy, tôi đề nghị chỉnh lý Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản, khoản 1 là các biện pháp xử lý quy định tại Điều 39 của luật này, khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật” - đại biểu góp ý.

Theo đại biểu, hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được giải thích, phân định rõ ràng tại Điều 37 và Điều 38 của dự thảo luật. Trong đó có sự phân định theo thời gian, trong khoảng thời gian sau thời hạn phải đóng được quy định tại khoản 6 Điều 33 đến hết 60 ngày chưa đóng thì được xác định là chậm đóng, sau 60 ngày tiếp theo vẫn tiếp tục chưa đóng thì xác định là trốn đóng.

Đại biểu cho rằng đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, khắc phục các vướng mắc trước đây, bảo đảm cho việc xử lý các hành vi vi phạm này.

Tuy nhiên, hành vi trốn đóng cần phải được đồng bộ hóa với pháp luật hình sự, đảm bảo sự nhất quán, khớp nối giữa 2 hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, một trong những dấu hiệu, hành vi khách quan cấu thành tội phạm này là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc trốn đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội. Như vậy sẽ rất khó khăn trong việc xử lý và xác định, xử lý những người không cần gian dối, không cần sử dụng thủ đoạn mà công khai, công nhiên không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Còn theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc - đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cần bổ sung quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với việc giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến của các đại biểu trước về một số vấn đề lớn cần thảo luận có liên quan đến các quy định về hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, phương án xử lý và trách nhiệm của các bên có liên quan.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên cũng cần cân nhắc, xem xét bổ sung các quy định liên quan đến nội dung xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội và sửa đổi, bổ sung dự thảo về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn nhằm góp phần tổ chức, thực hiện hiệu quả trong tổng thể các Luật có liên quan.

Bởi, từ thực tiễn, các vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc tham gia ngăn chặn, xử lý các hành vi nêu trên đã có những quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn với chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của của người lao động khi tham gia giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Nhằm khắc phục hạn chế qua ý kiến từ cử tri cũng như thực tiễn về những vấn đề nêu trên, việc xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội rất khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, quy định như điểm c, khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về quyền công đoàn khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động cần phải được người lao động ủy quyền.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận thấy việc ủy quyền này thực hiện theo dự thảo không khác với các tổ chức cá nhân khác như công ty luật và luật sư… Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng đối với dự thảo Luật lần này liên quan đến vấn đề trên nếu giao cho tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện thì có thể giải quyết được tình trạng hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng đây một vấn đề hết sức nan giải. Đại biểu đề nghị đối với những đối tượng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội thống nhất theo dự thảo luật.

Tuy nhiên, phải đưa vào trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, nếu những đối tượng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội quá 3 tháng phải đến nhắc nhở ngay.

Trong thời gian qua diễn ra tình trạng ai đóng thì đóng, không đóng thì thôi, cho nên việc doanh nghiệp trốn, chậm đóng. Người lao động được hưởng bảo hiểm người ta không biết doanh nghiệp có đóng hay không, khi nghỉ việc đến bảo hiểm xã hội lĩnh bảo hiểm mới nói doanh nghiệp không đóng bảo hiểm.

“Tôi đề nghị đưa vào trách nhiệm của bảo hiểm xã hội phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và 3 tháng nhắc 1 lần đến những đối tượng này để kịp thời chấn chỉnh, đợi 1 năm 2 năm sau mới phát hiện chuyện đã xảy ra thì không nên. Cần quan tâm vấn đề này cho tốt để đạt hiệu quả” – đại biểu đề nghị.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-dinh-ro-hon-ve-trach-nhiem-cua-co-quan-bao-hiem-xa-hoi-382252.html