QUY ĐỊNH RÕ NGUỒN VỐN ĐỂ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các ĐBQH, chuyên gia đồng thuận với quan điểm để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần nêu rõ việc đầu tư bằng nguồn vốn nào để đảm bảo tính minh bạch, xác minh rõ nhiệm vụ và những rủi ro khi thực hiện dự án...

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 25 này trước khi trình Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia đối với dự thảo Luật là việc “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua” (khoản 3 Điều 77).

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25 trước khi trình Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25 trước khi trình Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới.

Đóng góp vào nội dung trên, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) nêu quan điểm: Việc quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua là hợp lý và cần thiết. Bởi lẽ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền lợi của người lao động và có chức năng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Điều này được ghi nhận trong Luật Công đoàn năm 2012 nên việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua là một hoạt động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này.

Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân làm việc ở các khu công nghiệp là rất lớn. Trên thực tế, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đang thiếu chỗ ở ổn định. Nhiều công nhân di cư tại các khu công nghiệp - khu chế xuất đang thuê nhà trọ tạm bợ, khiến người lao động chưa thể an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Việc tìm giải pháp nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp - khu chế xuất đã được công nhân nêu ra tại nhiều diễn đàn đối thoại của người lao động với các cấp chính quyền”. Vì vậy, để giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thì một trong những giải pháp là tăng nguồn cung lượng nhà ở xã hội. Muốn vậy phải tăng cường nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Trong điều kiện hiện nay khi nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế thì việc xã hội hóa các hình thức huy động vốn để phát triển phân khúc thị trường nhà ở này mang tính cấp thiết nhằm góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động nói chung và công nhân làm việc trong các khu công nghiệp nói riêng.

 PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội).

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội).

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hiện có khả năng tài chính mà nguồn gốc từ việc trích nộp một tỷ lệ % thu nhập của người lao động để thành lập quỹ bảo đảm quyền lợi chính đáng của đoàn viên công đoàn. Việc quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua góp phần tăng thêm nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.

Thế nhưng, quy định trên của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; thậm chí với Luật Công đoàn. Theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Trong khi đó, theo Luật Công đoàn năm 2012, Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Công đoàn cũng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua dường như chưa thống nhất, phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Công đoàn…

Để khắc phục mâu thuẫn này, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 77 của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như sau: “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư, sản xuất - kinh doanh”.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đồng thuận với quan điểm để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, tại khoản 3 Điều 77 quy định "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp". Tuy nhiên, dự thảo Luật cần phải nêu rõ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn vốn nào để đảm bảo tính minh bạch, xác minh rõ nhiệm vụ và những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng các thiết chế công đoàn theo Quyết định 655 ngày 12/5/2017, nhưng chúng ta thấy chưa được triển khai được bao nhiêu và có nhiều khu công nghiệp hiện nay chưa được đầu tư xây dựng, do đó chúng ta cần phải cân nhắc quy định thật chặt chẽ và đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.

Khẳng định quy định để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là cần thiết nhưng các ĐBQH, chuyên gia nhấn mạnh, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần nêu rõ việc nguồn vốn để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Việc làm này nhằm góp phần quy định rõ trách nhiệm, minh bạch trong quá trình triển khai; đồng thời cũng đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp hiện nay./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79257