Quy định rõ thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên
Qua thảo luận tổ và hội trường tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, một trong những nội dung của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội đó là thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội. Câu hỏi đặt ra là, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo vệ tốt nhất cho NCTN phạm tội?
3 cơ quan đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng?
Được đánh giá là một đạo luật chuyên biệt, toàn diện về tư pháp cho NCTN để bảo đảm quyền lợi cho NCTN phạm tội, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã có nhiều quy định tiến bộ, nhân văn đối với NCTN, trong đó có quy định về xử lý chuyển hướng (XLCH).
Việc áp dụng biện pháp XLCH đối với NCTN phạm tội nhằm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả đối với NCTN; giúp NCTN nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh việc hòa giải giữa NCTN và bị hại hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng do hành vi vi phạm của NCTN. Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của cha mẹ, gia đình, cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp XLCH nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN; ngăn ngừa NCTN phạm tội mới, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội.
Tuy nhiên, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp XLCH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Về thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH, Điều 53 dự thảo Luật hiện đang được thiết kế theo 2 phương án. Phương án 1: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 36 của Luật này. Thẩm phán, Hội đồng xét xử có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36 của Luật này. Phương án 2: Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH quy định tại Điều 36 của Luật này theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Là cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật này, hiện Ủy ban Tư pháp cũng có ý kiến khác nhau. Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất - quy định cả 3 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp XLCH tại mỗi giai đoạn tố tụng. Nhưng riêng biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng phải do Tòa án quyết định. Việc Tòa án quyết định trong trường hợp này nhằm đáp ứng nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp NCTN có đủ điều kiện luật định sẽ sớm được áp dụng biện pháp XLCH; phù hợp với pháp luật của nhiều nước hiện cũng giao nhiều cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng XLCH. Ngoài ra, biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng cần tiếp tục giao duy nhất cho tòa án quyết định vì đây là biện pháp XLCH nghiêm khắc nhất, được áp dụng với NCTN trên cơ sở căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân và môi trường sống của người đó cần được giám sát, giáo dục trong một môi trường có tính kỷ luật chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp tán thành với phương án thứ 2 - chỉ quy định Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp XLCH vì các biện pháp này ở mức độ nhất định cũng có tính chất hạn chế quyền con người, quyền công dân cần được giao cho Tòa án xem xét. Trên cơ sở phiên họp công khai do Tòa án tổ chức với sự tham gia của NCTN phạm tội và đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ giúp NCTN nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình. Sau khi nghe ý kiến trao đổi, đề xuất của các cơ quan liên quan, Tòa án sẽ quyết định biện pháp XLCH phù hợp nhất với NCTN.
Ủng hộ phương án 1 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm tính kịp thời cũng như lợi ích tốt nhất của NCTN. Tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị, dự thảo luật cần rà soát để quy định trình tự, thủ tục mở phiên họp XLCH theo hướng đơn giản, thân thiện, giúp cho NCTN nhận thức được hành vi sai trái của mình, đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người chưa thành niên.
Nên giao thẩm quyền cho tòa án?
Cho ý kiến về thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) ủng hộ phương án 2 của dự thảo Luật. Việc áp dụng biện pháp XLCH chỉ do tòa án thực hiện, nhưng không chỉ do cơ quan điều tra hay viện kiểm sát đề nghị mà tòa án hoàn toàn có quyền xem xét để quyết định.
Đồng tình với quan điểm tòa án quyết định áp dụng biện pháp XLCH, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, tòa án là cơ quan tư pháp cao nhất, có nhiệm vụ bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong quá trình xét xử. Tòa án có thể đánh giá toàn diện về nhân thân, hoàn cảnh gia đình và hành vi phạm tội của NCTN, điều này giúp tòa án đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp chuyển hướng phù hợp và hiệu quả nhất, giúp NCTN tái hòa nhập xã hội một cách bền vững.
“Hơn nữa, tòa án có thẩm quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và các tổ chức xã hội, điều này giúp bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả trong việc áp dụng các biện pháp chuyển hướng”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.
Ủng hộ phương án tòa án có quyền áp dụng biện pháp XLCH, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án để xác định người nào đã phạm tội gì thì tòa án cũng là cơ quan xác định các trường hợp có được XLCH hay không. Việc thống nhất tòa án là cơ quan quyết định áp dụng biện pháp XLCH thuận lợi cho việc giải quyết hệ quả trong trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ áp dụng thủ tục XLCH được quy định tại Điều 59 của dự thảo Luật. “Việc giao tòa án xem xét, áp dụng biện pháp XLCH theo đề nghị của cơ quan, viện kiểm sát cũng là một hình thức kiểm soát giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần bảo đảm tính khách quan và minh bạch”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Trước đó, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật này, có 13 ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án 1 - cả 3 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp XLCH, có 9 ý kiến đồng tình với phương án 2 của dự thảo Luật - chỉ có tòa án có thẩm quyền áp dụng XLCH theo đề nghị của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Như vậy, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét kỹ lưỡng để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của NCTN phạm tội.