Quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…

Cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

Ngày 26/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật. Theo Đại biểu, hai luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất. Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Tại nước Nhật, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) thảo luận, góp ý cho dự án Luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) thảo luận, góp ý cho dự án Luật.

Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ bị giảm chất lượng, đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác mà có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế.

Theo Đại biểu, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác. Tại khoản 6, Điều 6 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, nêu quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

 Các đại biểu dự phiên họp ngày 26/5,

Các đại biểu dự phiên họp ngày 26/5,

Tuy nhiên, Luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

Giải thích rõ quy định về nghĩa vụ người tiêu dùng cần tuân thủ

Cùng quan tâm đến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) góp ý vào Điều 5 về nghĩa vụ người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần thống nhất cách hiểu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là gì, giải thích thêm quy định này để rõ nghĩa vụ cần tuân thủ của người tiêu dùng.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) phát biểu.

Về Điều 8 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị quy định vào khoản 2 Điều này việc người tiêu dùng đưa ra giấy tờ ngay tại Điểm a việc người tiêu dùng phải đưa ra tài liệu, giấy tờ xác định mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương để tổ chức, cá nhân kinh doanh biết trước khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm văn hóa, dịch vụ.

Về Điều 30 bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện, Đại biểu đề nghị cần xác định cụ thể điểm bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ đâu đến nơi bảo hành, không nên quy định chung chung, không có điểm bắt đầu. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ không phát huy được tác dụng khi việc bảo hành không thuộc trường hợp bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu chi phí vận chuyển khi bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho phù hợp với năng lực, quy mô của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-dinh-ro-viec-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-khi-bi-nguoi-tieu-dung-khac-xam-hai-post249210.html