Quy định tổ chức bộ máy Viện Kiểm sát Nhân dân 3 cấp để tinh gọn bộ máy

Ngày 25/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND).

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc sửa luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức, sắp xếp lại gồm VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Cụ thể, dự thảo luật quy định bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND với những lý do như được nêu tại Tờ trình của VKSND tối cao. Đồng thời, cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng. Cùng với đó, đề nghị VKSND tối cao tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong Luật Tổ chức VKSND hiện hành nhằm thực hiện đầy đủ yêu cầu của Đảng về hệ thống VKSND có 3 cấp, kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.

Liên quan tới quy định bổ sung số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao, đề nghị VKSND tối cao thực hiện thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng Quy định.

Về điều khoản chuyển tiếp, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, quy định của dự thảo Luật về chuyển tiếp việc giải quyết án giữa các cấp tố tụng là rất cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của các cơ quan tiến hành tố tụng, tuy nhiên có sự khác nhau căn bản trong cách xử lý về quy định chuyển tiếp giữa 03 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của VKSND bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo 3 cấp là VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực theo chủ trương của Đảng.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung trọng tâm về ngạch kiểm sát viên; về bổ sung số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao; về điều khoản chuyển tiếp,...

Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới đây theo quy trình thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét thông qua các luật tổ chức các cơ quan tư pháp, luật tố tụng nên phải phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Nội dung này cần được bố trí thảo luận gần nhau trong chương trình nghị sự.

Đối với một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phạm vi sửa đổi đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng. Về bổ sung số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao, đề nghị VKSND tối cao báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Về điều khoản chuyển tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chủ trì, tổ chức họp với Bộ Công an, VKSND tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao để thống nhất 1 phương án quy định đồng bộ trong các luật.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-dinh-to-chuc-bo-may-vien-kiem-sat-nhan-dan-3-cap-de-tinh-gon-bo-may.685496.html