Quy định và thực tế

Hàng loạt sai sót, vi phạm trong công tác tôn tạo, tu bổ các công trình văn hóa - lịch sử gần đây là lời cảnh báo về nhận thức và năng lực trùng tu di tích.

Giếng Ngọc tại đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị phá bỏ để xây mới. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia đình Tự Đông ở phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương bị thanh niên địa phương vẽ bức họa để hưởng ứng Tháng thanh niên. Dự án tu bổ di tích tháp Bánh Ít tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định sử dụng máy móc cơ giới trong khi theo hồ sơ thiết kế, việc thi công công trình này phải bằng phương pháp thủ công. Nhiều vi phạm khi phát hiện thì đã quá muộn và không thể hoặc khó khắc phục như dự án tu bổ kè đá của hào nước dưới chân Kinh thành Huế năm 2020…

Những vi phạm trong quá trình trùng tu di tích không mang tính cá biệt mà diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, đặt ra câu hỏi về nhận thức và năng lực trùng tu các công trình văn hóa - lịch sử.

Thông tư 15/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nêu nguyên tắc “Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích”. Việc tu bổ, phục hồi di tích không phải là làm mới di tích mà nỗ lực giữ gìn, bảo quản di tích ở trạng thái gần nhất với nguyên bản. Nguyên tắc này đòi hỏi đơn vị thi công phải có kiến thức lịch sử, văn hóa, tập hợp được những người thợ có tay nghề, thành thạo phương pháp thi công truyền thống.

Tuy nhiên, khi xây dựng Thông tư 15/2019 thay thế Thông tư 18/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bỏ quy định về giấy chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân, tổ chức hành nghề lập quy hoạch di tích, lập dự án tu bổ di tích, thi công tu bổ di tích và giám sát thi công tu bổ di tích. Trên thực tế, không nhiều đơn vị có năng lực hoặc chuyên môn về trùng tu di tích. Các đơn vị có thợ giỏi nghề thường đưa ra đơn giá cao do yêu cầu khắt khe về thi công trùng tu di tích.

Câu hỏi đặt ra là: việc lựa chọn đơn vị thi công dự án trùng tu di tích hiện nay có căn cứ vào năng lực của đơn vị đó không? Có hay không việc lựa chọn đơn vị thi công dựa vào các mối quan hệ quen biết hoặc sự giới thiệu? Đơn vị thi công có đội ngũ nhân sự có tay nghề, phương pháp và kinh nghiệm thi công truyền thống không? Các yếu tố như đề bài trùng tu, năng lực thi công và kinh phí phân bổ có được xem xét một cách thỏa đáng không? Đây là những câu hỏi mà đơn vị chủ trì và ban quản lý các dự án trùng tu cần trả lời rõ ràng.

Câu chuyện về những sai sót, vi phạm trong trùng tu di tích sẽ chưa đến hồi kết nếu chúng ta chưa giải quyết được thỏa đáng mối quan hệ giữa quy định và thực tế. Việc xây dựng, ban hành những quy định chặt chẽ, sát thực tế về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích là cần thiết. Việc phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích trong quá trình trùng tu cũng cần thiết. Thế nhưng, nếu không nhìn thẳng vào năng lực của đơn vị thi công thì những sai sót, vi phạm đáng tiếc trong trùng tu sẽ còn xảy ra. Quá trình sửa đổi Luật Di sản văn hóa sắp tới có thể phải tính tới việc này.

Vũ Kim Thi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quy-dinh-va-thuc-te-ummttk9epe-81677