Quy định về dạy thêm, học thêm?
Đầu năm học, câu chuyện dạy thêm, học thêm tiếp tục nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Nhất là trong thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm để thay thế cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 nhận được nhiều ý kiến của dư luận.
Năm học mới 2024-2025 bắt đầu được 1 tuần học, chị Thi có con học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Phan Thiết được cô giáo chủ nhiệm đặt vấn đề đăng ký cho con học kèm tại nhà cô. Mặc dù không muốn vì cả ngày con học trên lớp, tối đến lại đi học thêm sợ con mệt. Nhưng với tâm lý sợ cô giáo sẽ làm khó con mình nên chị Thi đành bấm bụng cho con đi học kèm tại nhà cô. Thế là, hàng tuần vào các ngày thứ 3, 5, 7, sau khi con tan học, chị Thi vội vàng đón con về nhà để tắm rửa, cho con ăn uống để kịp đưa con đến lớp học kèm vào lúc 6 giờ tối. Còn chị Lành có con đang học lớp 9, ngay từ đầu năm học chị đã đăng ký cho con học thêm môn toán, tiếng Anh nhằm giúp con củng cố, nâng cao kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 các trường THPT.
Học thêm là nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đã được quy định bằng các văn bản cụ thể nhằm đảm bảo trách nhiệm của người dạy và quyền lợi của người học. Trên thực tế, nhiều thầy cô giáo đã thực hiện tốt các quy định trong quá trình dạy cũng như đáp ứng nhu cầu, mong muốn của học sinh và phụ huynh góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự biến tướng trong dạy thêm, học thêm đã xảy ra khi nhiều phụ huynh cho con đi học thêm không phải hoàn toàn tự nguyện mà có những yếu tố trở thành áp lực bắt buộc. Ví như nếu không học thêm con sẽ không theo kịp chương trình, không muốn con “mất điểm” trong mắt các thầy cô. Nhất là trong thời điểm các kỳ thi cuối năm, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp… càng đến gần thì cũng là lúc mùa dạy thêm, học thêm càng nở rộ.
Dự thảo về dạy thêm, học thêm được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến đến hết 22/10/2024 hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch; cấm những hiện tượng tiêu cực nhưng không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của cả người dạy và người học. Một số nội dung đáng chú ý tại dự thảo thông tư mới như: Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra học sinh trên trường; tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh; giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường chỉ phải báo cáo, lập danh sách học sinh gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm; hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan quản lý…
Với dự thảo trên, nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến, thực tế dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực và chính đáng. Tuy nhiên, làm sao để hạn chế được dạy thêm, học thêm không đúng quy định là điều nhiều người trăn trở. Bởi lẽ, dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm có nhiều điểm mở, rất khó quản lý và cũng rất khó trông chờ vào sự trung thực khi giáo viên dạy thêm cam kết với hiệu trưởng. Anh Lâm ở Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) cho rằng: “Điều phụ huynh mong muốn nhất là công tác quản lý để ngăn chặn các hành vi tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm”. Còn chị Hằng – phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) đề xuất: “Để không xảy ra tình trạng giáo viên “ép” học sinh học thêm thì nên có quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh của chính mình trên trường. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp giáo viên lén lút, tự ý mở lớp dạy thêm khi chưa được phép”.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-124372.html