Quy định về định mức, tiêu chuẩn, kỹ thuật không sát thực tế khiến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không thực chất

Sáng 05/04, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Thanh tra Chính phủ về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021'. Trong giai đoạn 2016-2021, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 328.300 tỷ đồng và hơn 63.000 ha đất. Nhưng tỷ lệ xử lý hình sự rất thấp.

So sánh giữa 2 số liệu phát hiện vi phạm kinh tế và số xử lý hình sự, một số ý kiến nhận định mức độ gây thất thoát, lãng phí cực kỳ lớn, nhưng tỷ lệ xử lý hình sự, kể cả xử lý hành chính quá thấp. Phải chăng vẫn có sự nương nhẹ, châm chước hoặc thiếu chế tài để xử lý?

Ông NGUYỄN CÔNG LONG - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Năm 2021 thì thanh tra đã tiến hành 6.712 cuộc thanh tra hành chính, 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cũng phát hiện ra 61.846 tỷ đồng vi phạm kinh tế, 7206 ha đất. Mức độ phát hiện ra vi phạm cực kỳ lớn. Chuyển xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng và năm này thì được các cơ quan đánh giá rất cao là năm nay đã có sự chuyển biến về chuyển việc xử lý hình sự. Tuy nhiên so với mức độ vi phạm thì rõ ràng việc chuyển xử lý vẫn rất thấp.

Cho rằng báo cáo cần phải xác định quy mô về lãng phí, một số ý kiến cho rằng thay vì tổng kết con số vi phạm kinh tế, Thanh tra Chính phủ cần tách bạch rõ các trường hợp vi phạm và hành vi lãng phí để có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn.

Ông BÙI ĐỨC THỤ - Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Tôi cần biết lãng phí cụ thể, ví dụ dạng sai phạm các đồng chí nêu 3 lĩnh vực chủ yếu: tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Bây giờ từ tiêu chuẩn, chế độ, định mức mà chậm sửa đổi, chậm ban hành thì có thể cao hơn, thấp hơn so với thực tiễn, dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, việc này lượng hóa là bao nhiêu? Tôi đề nghị việc gì lượng hóa được thì nên lượng hóa.

Đi thẳng vào bất cập được Thanh tra Chính phủ nêu trong báo cáo giám sát, một số ý kiến yêu cầu làm rõ kẽ hở pháp luật trong các quy định về định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến nhóm lĩnh vực xây dựng, đầu tư công… Ở góc độ đối tượng được giám sát, một số ý kiến đặt câu hỏi liên quan đến việc sử dụng tài sản công của Thanh tra Chính phủ, trong đó có vấn đề xử lý trụ sở cũ sau khi di dời đến địa điểm mới. Một trong những hiện tượng lãng phí được nhận diện trong khu vực công hiện nay.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Luật Thủ đô nêu rất rõ là đối với các tài sản của các cơ quan nhà nước ở trung ương thì thành phố Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất để xây trụ sở mới và khi di dời ưu tiên phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Tôi chưa biết phương án xử lý đối với tài sản của Thanh tra Chính phủ ở Đội Cấn như thế nào? Bởi vì khi chúng tôi giám sát Luật Thủ đô thì một trong những vấn đề đặt ra mà từ trước đến nay gần như không có một cơ quan nhà nước ở Trung ương nào khi được bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới trả lại cho thành phố đất ở trụ sở cũ để ưu tiên phát triển theo Điều 15 của Luật Thủ đô.

Giải trình các nội dung, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đưa ra ví dụ về bất cập trong cơ chế và việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, định mức trong thực tế. Theo đó, khổ nhất là nhân viên văn phòng phải “vẽ” chứng từ, giấy tờ cho đúng quy định, vậy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có phải thực chất?

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG - Tổng Thanh tra Chính phủ: “Nhân đây tôi cũng đề nghị liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống nói dối. Có nghĩa là chi tiêu hiện nay quy định ở mức chưa phản ánh thực tế, chưa đủ theo nhu cầu mà toàn phải vẽ thêm. Khổ nhất là làm văn phòng, đồng chí nào làm ở văn phòng đều khổ ở chỗ vẽ chứng từ. Sự thật là như thế. Nên cần sửa, nâng định mức đó phù hợp với giá cả thị trường, kể cả về định mức xe, không phải đến mức giảm chi tiêu đi để cho tiết kiệm, đấy không phải tiết kiệm ở đấy là chính mà là về cơ chế, chính sách và cái lớn.

Về tỷ lệ xử lý hình sự đối với các vi phạm kinh tế, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết vì thanh tra trực thuộc chính quyền các cấp, cả tổ chức và con người, nên việc chuyển các vụ cũng chưa được nhiều.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của thành viên Đoàn giám sát, biểu dương Tổ công tác đã bám sát yêu cầu, mục đích theo chuyên đề giám sát.

Thay mặt Đoàn giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, giám sát chuyên đề này là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, có phạm vi rộng và khó, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo rất sâu sát, được cử tri rất quan tâm và hy vọng. Thanh tra Chính phủ với trách nhiệm là cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực rất quan trọng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn các nội dung còn thiếu; trong đó bổ sung chi tiết đến từng bộ ngành, địa phương; cố gắng bóc tách, lượng hóa, chỉ ra được cái gì chưa tiết kiệm, chưa lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội:Trong đó đặc biệt chú nâng cao chất lượng và hàm lượng thông tin về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có cả tiết kiệm chứ không dừng lại ở sai phạm về thực hiện chính sách pháp luật nói chung. Trong 7 lĩnh vực sai phạm thì sai phạm như thế nào, lãng phí đến đâu, đặc biệt như định mức kỹ thuật, quản lý sử dụng tài sản công, kinh phí, ngân sách, sử dụng đất đai, tài nguyên, thuế, bảo hiểm…”

Trưởng đoàn giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ cung cấp bổ sung chi tiết Danh mục những tồn đọng kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ chưa hoàn thành đến ngày 31/12/2021 (với 1102 Kết luận); cung cấp thông tin lượng hóa nguyên nhân, trách nhiệm tại một số bộ ngành, địa phương có nhiều sai phạm và một số vụ việc nổi cộm, trọng điểm trong giai đoạn 2016-2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội:Đề nghị hình thành danh mục đề nghị sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các điều khoản nội dung cụ thể. Các luật khác trên 5 lĩnh vực trọng tâm và 4 trọng điểm thì cố gắng đề nghị sửa đổi chính sách pháp luật như thế nào.”

Đồng thời, Trưởng đoàn Giám sát cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin chi tiết kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với các Bộ, ngành, địa phương mà Đoàn giám sát dự kiến sẽ giám sát trực tiếp trong thời gian tới./.

Thực hiện : Thanh Nga Khắc Phục Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quy-dinh-ve-dinh-muc-tieu-chuan-ky-thuat-khong-sat-thuc-te-khien-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-khong-thuc-chat