Quy định về môi trường góp phần đẩy giá thịt lợn tăng cao, doanh nghiệp lớn hưởng lợi
Ngoài việc người dân tích trữ thời điểm Tết Nguyên đán, một trong những nguyên nhân Cục Chăn nuôi chỉ ra khiến giá thịt lợn tăng cao là do các địa phương siết quy định về môi trường. Điều này góp phần giúp các doanh nghiệp chăn nuôi bền vững hưởng lợi.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_590_51467529/9aaa585769198047d908.jpg)
Ảnh minh họa
Khá ổn định trước dịp Tết Nguyên đán, nhưng sau Tết giá lợn hơi bất ngờ tăng vọt. Hiện tại, giá lợn hơi quanh mức 73-75.000 đồng/ kg, mức cao nhất từ năm 2023.
Nói về sự tăng giá này, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết do tổng đàn giảm mạnh khi chịu ảnh hưởng bởi dịch lở mồm long móng, tả heo châu Phi hồi tháng 10-11/2024 và sau khi đã cung ứng sản lượng lớn cho thị trường dịp Tết. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng mức giá trên sẽ không duy trì lâu sau thời gian mở đầu các lễ hội đầu năm trên cả nước. Đồng thời, người chăn nuôi cũng đang tích cực tái đàn, cùng với tổng đàn còn tương đối lớn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự báo năm 2025, tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam có thể đạt 4 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm trước. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước có thể đối mặt thách thức do dịch bệnh và chi phí tái đàn cao. Giá heo hơi được dự báo duy trì ở mức 65.000-75.000 đồng một kg đến hết nửa đầu năm 2025.
Cục Chăn nuôi thông tin kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 1 năm nay đạt 383 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 120 triệu USD, tăng 47%, còn thịt và phụ phẩm thịt tăng 34,9%, lên 186 triệu USD.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, ngoài nguyên nhân dịch bệnh, cùng với đó, các tỉnh, thành siết chặt vấn đề môi trường trong chăn nuôi, trang trại không đủ điều kiện buộc phải để trống chuồng. Trong khi, nhu cầu trước và sau Tết tăng cao nên thời điểm này xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn thịt lợn. Do đó đã góp phần thúc đẩy giá thịt lợn hơi tăng cao trong thời gian qua.
Việc giá lợn hơi tăng cao đã giúp các cổ phiếu ngành chăn nuôi hưởng lợi. Các cổ phiếu chăn nuôi như DBC (Tập đoàn Dabaco Việt Nam), BAF (Nông nghiệp BaF Việt Nam), HAG (Hoàng Anh Gia Lai)… đều khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu BAF tiếp tục lập mức cao kỷ lục mới ở mốc 29.200 đồng/cp trong phiên 11/2.
Bước qua giai đoạn 2022-2023 khi ngành chăn nuôi lợn đối mặt với nhiều thách thức do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán heo hơi biến động mạnh; sang năm 2024, bức tranh toàn ngành ghi nhận những biến động tích cực về giá cả và chi phí sản xuất. Giá heo hơi xuất chuồng có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt từ giữa năm trở đi.
Giá heo cải thiện cùng với giá thức ăn chăn nuôi giảm là nguyên nhân chính thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tăng trưởng mà Tập đoàn Dabaco Việt Nam là điển hình. Vượt 53% mục tiêu doanh thu và 5% kế hoạch lợi nhuận, doanh nghiệp này đã trở lại mức lãi trăm tỷ trong năm 2024. Theo đó, Dabaco ghi nhận hơn 13.573 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% so với năm 2023, lãi sau thuế tăng gấp gần 31 lần, đạt 769 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tập đoàn này đạt gần 772 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Hay như Nông nghiệp BaF Việt Nam, với mức lãi 109 tỷ đồng trong quý IV/2024 (cùng kỳ 2023 thua lỗ hơn 29 tỷ) đã giúp doanh nghiệp ghi nhận mức lãi năm 2024 tăng gấp 11 lần so với năm 2023. Cụ thể, cả năm 2024, BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.554 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 324 tỷ đồng, tăng 969% so với năm 2023.
Một doanh nghiệp khác có sự khởi sắc mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh là CTCP Masan MeatLife (MML). Sau 2 năm liên tục thua lỗ trăm tỷ, năm 2024, công ty đã chính thức có lãi.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, nhờ tăng trưởng ở mảng thịt ủ mát MEATDeli và thịt chế biến, Masan MeatLife đã có nhiều kết quả tích cực trong quý IV, nhờ đó chuyển từ lỗ 540 tỷ đồng sang lãi 25 tỷ đồng năm 2024. Dù vậy, tính đến hết tháng 12/2024, công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 1.041 tỷ đồng.
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2025 được dự báo cũng sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong ngành.
Cụ thể, theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Luật Chăn nuôi cũng đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và các tác động đến môi trường xung quanh.
PGS TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chuyển dịch theo hướng kinh tế chăn nuôi, nghĩa là tăng vai trò của các doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy định gần như theo chuỗi giá trị ngành, giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh khó kiểm soát. Đồng thời tăng thêm các biện pháp quản lý để tăng số lượng và chất lượng nguồn vật nuôi, hướng tới nền chăn nuôi hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao, tuân thủ quy luật kinh tế thị trường, tiếp cận và tiếp nhận thông lệ và thực tiễn tốt.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo 2 doanh nghiệp chăn nuôi sẽ được hưởng lợi trước cuộc “đại di dời” là Nông nghiệp BAF Việt Nam và Tập đoàn Dabaco Việt Nam.