Quy định về tiền lương đối với các chức danh tư pháp: Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ Tòa án nói chung, đối với các chức danh tư pháp nói riêng hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù của công tác Tòa án.
Tiền lương là mối quan tâm hàng đầu và là động lực làm việc của người lao động trong bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Do vậy, việc xây dựng một hệ thống tiền lương khoa học, hợp lý làm đòn bẩy kích thích năng suất, hiệu quả lao động luôn là nhiệm vụ lớn đặt ra cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay của khu vực nhà nước có sự kém hấp dẫn hơn so với khu vực tư nhân và làn sóng ra đi của những người giỏi trong các cơ quan nhà nước ngày càng tăng. Đây được coi là tình trạng chảy máu chất xám.
Thực trạng chế độ tiền lương của các chức danh tư pháp
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các chức danh tư pháp của hệ thống Tòa án bao gồm Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, được áp dụng 1 trong 5 bảng lương đối với hệ thống Tòa án. Đó là: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/09/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, lương của Thẩm phán TANDTC bằng lương của Thẩm tra viên cao cấp gồm 6 bậc; khoảng cách giữa các bậc là 0,36, tương đương Chuyên viên cao cấp (công chức loại A3, nhóm 1). Lương của Thẩm phán TAND cấp tỉnh bằng lương của Thẩm tra viên chính gồm 8 bậc, khoảng cách giữa các bậc là 0,34, tương đương Chuyên viên chính (công chức loại A2, nhóm 1). Lương của Thẩm phán TAND cấp huyện bằng lương của Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án gồm 9 bậc, khoảng cách các bậc là 0,33, tương đương Chuyên viên (công chức loại A1). Không có sự phân biệt về thang lương, bậc lương và hệ số lương giữa Thẩm phán TAND cấp huyện và Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
Chẳng hạn, trường hợp một người tốt nghiệp đại học luật được tuyển dụng vào TAND thời điểm năm 2017. Sau khi hết thời gian tập sự và được bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án được hưởng lương bậc 1, hệ số 2,34, mức lương hàng tháng được hưởng tổng cộng là 4.121.910đ. Với mức thu nhập này, theo đánh giá của các chuyên gia mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tối thiểu của người lao động gồm: nhu cầu của bản thân (lương thực, thực phẩm, nhà ở, sinh hoạt, nhu cầu văn hóa, chăm sóc sức khỏe, đóng góp xã hội, chi phí an ninh, quốc phòng…) và nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái (người phụ thuộc).
Qua việc nghiên cứu Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ Tòa án và thực tiễn thực hiện cho thấy, mức lương của cán bộ, công chức Tòa án nói chung, của các chức danh tư pháp nói riêng hiện nay rất thấp, tương đương mức lương của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, thấp hơn nhiều so với mức lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang, người lao động khu vực doanh nghiệp có cùng trình độ đào tạo. Mặc dù đã 4 lần cải cách chính sách tiền lương (năm 1960, 1985, 1993, 2004), nhưng hầu như chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn nảy sinh những bất hợp lý. Cụ thể là:
Giai đoạn trước năm 2004: chế độ tiền lương đối với cán bộ giữ chức danh tư pháp có nhiều tiến bộ, thể hiện tính đặc thù hoạt động của Tòa án, phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án. Hệ số lương khởi điểm của các chức danh tư pháp cao hơn công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp và tương quan tương đối hợp lý (gần bằng) tiền lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang. Theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương đối với công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang: Lương Thẩm phán TAND cấp huyện có 3 bậc: bậc 1 là 290 đồng, bậc 3 là 333 đồng; trong khi lương của Chấp hành viên cấp huyện bậc 2 là 290 đồng, bằng bậc 1 của Thẩm phán TAND cấp huyện. Lương của Thẩm phán TAND cấp tỉnh có 3 bậc: bậc 1 là 359 đồng, bậc 3 là 425 đồng; trong khi lương của Chấp hành viên cấp tỉnh bậc 3 là 359 đồng, bằng bậc 1 của Thẩm phán TAND cấp tỉnh. Thẩm phán TAND tối cao có 4 bậc lương: bậc 1 là 463 đồng, bậc 4 là 668 đồng. Lương của sĩ quan hàm Thiếu úy làm nhiệm vụ tư pháp trong Công an nhân dân là 300 đồng, cao hơn mức lương khởi điểm của Thẩm phán TAND cấp huyện là 10 đồng.
Như vậy, so sánh giữa lương của chức danh tư pháp và lương của công chức hành chính trong giai đoạn này thì lương khởi điểm của Thẩm phán TAND cấp huyện cao hơn lương của Chấp hành viên cấp huyện 1 bậc, lương khởi điểm của Thẩm phán TAND cấp tỉnh cao hơn lương của Chấp hành viên cấp tỉnh 2 bậc. Nếu so với lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang, lương của Thẩm phán TAND cấp huyện bằng 96,6% lương của sĩ quan hàm Thiếu úy làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang.
Theo Nghị quyết số 35-NQ/UBTVQHK9 ngày 17/5/1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bảng lương chức vụ dân cử, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Lương của Thẩm phán TAND cấp huyện 10 bậc, bậc 1 hệ số 2,16, bậc 10 hệ số 4,25, khoảng cách các bậc là 0,23. Thẩm phán TAND cấp tỉnh có 9 bậc, bậc 1 hệ số 3,62, bậc 9 hệ số 5,70, khoảng cách các bậc là 0,26. Thẩm phán TAND tối cao có 7 bậc, bậc 1 hệ số 5,02, bậc 7 hệ số 7,10, khoảng cách các bậc là 0,34.
Theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang: Lương của Chuyên viên có 10 bậc, bậc 1 hệ số 1,86, bậc 10 hệ số 3,06, khoảng cách các bậc là 0,24. Lương của Chuyên viên chính có 9 bậc, bậc 1 hệ số 3,35, bậc 10 hệ số 5.60, khoảng cách bậc là 0,28. Lương của Chuyên viên cao cấp có 7 bậc, bậc 1 hệ số 4,92, bậc 7 hệ số 7,10, khoảng cách bậc là 0,31.
Như vậy, trong giai đoạn này, lương khởi điểm của Chuyên viên thấp hơn lương của Thẩm phán TAND cấp huyện 13,9%. Lương của Chuyên viên chính thấp hơn lương của Thẩm phán TAND cấp tỉnh 7,5%. Lương của Chuyên viên cao cấp thấp hơn lương của Thẩm phán TAND tối cao 2%. Bình quân lương của công chức hành chính thấp hơn lương của Thẩm phán 7,8%. Lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang (Thiếu úy-Điều tra viên) có bậc khởi điểm là 3,20, cao hơn lương khởi điểm của Thẩm phán TAND cấp huyện 32,5%. Nói cách khác, lương của Thẩm phán TAND cấp huyện bằng 67,5% lương của sĩ quan hàm Thiếu úy làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang.
Giai đoạn từ năm 2004 đến nay: Theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống Tòa án, ngành kiểm sát; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang: Thẩm phán TAND cấp huyện có 9 bậc lương, bậc 1 hệ số 2,34, bậc 9 hệ số 4,98. Thẩm phán TAND cấp tỉnh có 8 bậc, bậc 1 hệ số 4,40, bậc 8 hệ số 6,78. Thẩm phán TAND tối cao có 6 bậc, bậc 1 hệ số 6,20, bậc 8 hệ số 8,00. Lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang hàm Thiếu úy có hệ số lương là 4,20, cao hơn hệ số lương khởi điểm của Thẩm phán TAND cấp huyện 44,3%. Nói cách khác lương của Thẩm phán TAND cấp huyện bằng 55,7% lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang.
Như vậy, qua các lần cải cách chính sách tiền lương cho thấy, nếu như giai đoạn trước 2004 lương của cán bộ, Thẩm phán TAND đều cao hơn lương của công chức hành chính từ 1 đến 2 bậc, tương quan (gần bằng) lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang, thì trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay, lương của các chức danh tư pháp của Tòa án nhân dân không có khoảng cách với lương của cán bộ, công chức hành chính nữa, mà ngược lại bằng lương của cán bộ, công chức khu vực hành chính, đồng thời nới rộng khoảng cách (thấp hơn nhiều) so với lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang.
Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ Tòa án nói chung, đối với các chức danh tư pháp nói riêng hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù của công tác Tòa án, chưa tạo sức thu hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong ngành Tòa án. Điều này được thể hiện trong các mặt sau:
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” nhưng Tòa án lại được xếp lương vào cùng khu vực cơ quan hành chính nhà nước. Việc quy định ngạch, bậc lương của các chức danh tư pháp như ngạch, bậc lương của công chức hành chính khác là chưa tương xứng với vị trí, vai trò, trách nhiệm cao của Tòa án và tính chất lao động phức tạp, nặng nhọc và đặc thù của ngành Tòa án.
Một số bất hợp lý của hệ thống tiền lương hiện hành chưa tạo được sự yên tâm công tác lâu dài và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao đối với đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án như: định mức khoán kinh phí đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân; mức lương tối thiểu chậm được điều chỉnh; bảng lương có quá nhiều bậc, khoảng cách giữa các bậc ngắn, việc trả lương chủ yếu dựa theo bằng cấp và thâm niên công tác...
Chế độ tiền lương chưa thể hiện đúng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác Tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp (Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm), chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử và yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở nước ta theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
Chế độ tiền lương thấp đối với cán bộ, công chức Tòa án hiện nay chưa phải là bảo đảm hữu hiệu để Tòa án thực hiện nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Việc giải quyết tiền lương và phụ cấp chưa đồng bộ so với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ.
Việc áp dụng lương tối thiểu làm căn cứ tính lương, phụ cấp, BHXH, BHYT khiến thu nhập thực tế của cán bộ, công chức gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì từ năm 2018, tất cả các khoản lương và phụ cấp lương đều được tính đóng bảo hiểm xã hội làm cho tiền lương thực tế của cán bộ, công chức giảm đi rất nhiều (Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội).
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với các chức danh tư pháp
Tiền lương cần được cải cách theo quan điểm coi tiền lương là hình thức đầu tư trực tiếp cho con người, đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ và hoạt động công vụ. Cải cách hệ thống thang, bảng lương trên cơ sở xem xét tính chất, đặc thù lao động của cán bộ Tòa án, điều chỉnh bội số và các hệ số tiền lương trong các thang, bảng lương một cách phù hợp. Thực hiện tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương, điều chỉnh tiền lương tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập và chỉ số giá sinh hoạt trong xã hội. Cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức Tòa án nhân dân có tính đến tính chất đặc thù của Tòa án, gắn với tiêu chuẩn từng chức danh cụ thể trong bảng lương. Sửa đổi, bổ sung, quy định mới các chế độ phụ cấp ngoài lương theo ngạch, bậc, theo cấp bậc chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đối với cán bộ làm việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm.
Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng bảng lương, thang lương, đề nghị sửa đổi hệ thống thang, bảng lương đối với các chức danh tư pháp tương xứng với vị trí, vai trò, trách nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù hoạt động của Tòa án nhân dân, bảo đảm tương quan hợp lý (cao hơn) lương của công chức hành chính và bằng (ít nhất) 90% lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang. Thiết kế bảng lương riêng đối với cán bộ ngành Tòa án và thực hiện ưu đãi theo ngành, nghề bằng chế độ phụ cấp đặc thù.
Trong khi chưa nhất thể hóa tiền lương và phụ cấp thành một khoản thu nhập của cán bộ, công chức, đề nghị quy định bổ sung một số phụ cấp trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm xây dựng chính sách tiền lương của nước ngoài (Singapore, Pháp, Nhật, Úc, Châu Phi...), đồng thời kế thừa kinh nghiệm cải cách tiền lương của nước ta những năm trước đây. Cụ thể:
Phụ cấp cư trú áp dụng đối với cán bộ, công chức chưa có nhà ở hoặc có nhà ở dưới diện tích tối thiểu nhà nước quy định. Mức phụ cấp cư trú bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp cư trú được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT (kế thừa kinh nghiệm cải cách tiền lương năm 1960 theo Nghị quyết ngày 27/4/1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ nửa cung cấp về nhà ở, điện nước; tham khảo kinh nghiệm cải cách chính sách tiền lương của Pháp, Châu Phi, Nhật Bản).
Phụ cấp đi lại áp dụng đối với cán bộ, công chức sử dụng phương tiện cá nhân đi làm. Mức phụ cấp bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp đi lại được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT (tham khảo kinh nghiệm cải cách chính sách tiền lương của Nhật Bản).
Phụ cấp nuôi gia đình áp dụng đối với cán bộ, công chức phải nuôi gia đình, căn cứ vào số lượng con cái, nhu cầu của gia đình. Mức phụ cấp bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp gia đình được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT (kế thừa kinh nghiệm cải cách tiền lương năm 1960 theo Nghị quyết ngày 27/4/1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp gia đình đông con; tham khảo kinh nghiệm cải cách chính sách tiền lương của Pháp, Nhật Bản).
Phụ cấp đắt đỏ áp dụng đối với cán bộ, công chức làm việc ở khu vực có chỉ số giá sinh hoạt cao hơn chỉ số giá sinh hoạt bình quân của cả nước, nhằm bù đắp một phần chi phí trong cuộc sống sinh hoạt của bản thân công chức và gia đình. Mức phụ cấp đắt đỏ bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp đắt đỏ được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT (kế thừa kinh nghiệm cải cách chính sách tiền lương năm 1985 theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chế độ phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng-khoản 2 Điều 5; tham khảo kinh nghiệm cải cách tiền lương năm 1993 theo Nghị định số 25-CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đắt đỏ-khoản 6 Điều 4; tham khảo kinh nghiệm cải cách chính sách tiền lương của Pháp, Nhật Bản).