Quy định việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế
Bạn đọc Nguyễn Văn Mạnh ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế được quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 662 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:
1. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
* Bạn đọc Nguyễn Thu Quỳnh ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thời hạn tạm giữ tối đa đối với người chưa thành niên được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại khoản 3, Điều 137 Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ một lần nhưng không quá 3 ngày.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.