Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Cần sớm có hướng dẫn cụ thể

Ngày 10-3, Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22-1-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định chặt chẽ trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, do thiếu các thông tư hướng dẫn nên đến nay không ít giáo viên còn lúng túng với các quy định này, nhất là trong việc nhắc nhở, răn đe các học sinh vi phạm kỷ luật, nội quy trường.

Cần sớm có thông tư hướng dẫn để các cơ quan chức năng, nhà trường thực hiện tốt Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh minh họa: Một tiết dạy và học tại Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: Tư liệu

Cần sớm có thông tư hướng dẫn để các cơ quan chức năng, nhà trường thực hiện tốt Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh minh họa: Một tiết dạy và học tại Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: Tư liệu

* Còn nhiều lúng túng

Tại Khoản 1, Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP nêu rõ: “Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Trong khi đó, quy định hình thức kỷ luật tại các thông tư do Bộ GD-ĐT ban hành lại có điểm không tương đồng. Cụ thể, Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đặt ra 5 hình thức với từng hành vi chi tiết là khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần lễ, đuổi học 1 năm. Còn theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT có nhiều cấp học thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập chỉ được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục. Hoặc khiển trách, thông báo với gia đình; còn cao nhất là tạm dừng học ở trường có thời hạn.

Một giáo viên trường THCS ở TP.Biên Hòa nhận định: “Chính vì các thông tư đang không đồng nhất, lại không có hướng dẫn chi tiết nên chúng tôi khá lúng túng khi áp dụng hoặc đề xuất mức kỷ luật với các hành vi vi phạm của học sinh. Nhất là hiện nay học sinh có nhiều hành vi vi phạm mới (sử dụng smart phone trong tiết học, hút thuốc lá điện tử...) mà quy định tại các thông tư không kịp bổ sung, sửa đổi cho phù hợp”.

Ngoài ra, theo một số giáo viên tại TP.Biên Hòa, trong quá trình giảng dạy (chính khóa, ngoại khóa) giáo viên và học sinh luôn trao đổi, lắng nghe và cố gắng đảm bảo chất lượng dạy và học. Tuy vậy, việc học sinh nghịch ngợm hoặc ham chơi là điều không tránh khỏi, trong đó có không ít học sinh có những hành vi phản kháng với những quy định của trường.

Với các trường hợp đó, giáo viên phải nhanh chóng có biện pháp nhắc nhở, nghiêm khắc răn đe, thậm chí kỷ luật để uốn nắn học sinh vào khuôn khổ. Tuy nhiên, trong Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định giáo viên không được "xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể" của học sinh nhưng lại không định nghĩa thế nào là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể” nên các giáo viên lúng túng, lo ngại không khéo việc nhắc nhở, răn đe, xử phạt học sinh sẽ vi phạm quy định nêu trên.

* Chờ hướng dẫn cụ thể

Từ đầu năm 2021 đến nay, khi Nghị định 04/2021/NĐ-CP vừa ban hành hoặc sắp có hiệu lực, nhiều trường học trên toàn tỉnh đã tổ chức triển khai nội dung các quy định mới trong nghị định để cán bộ, giáo viên nắm bắt. Tại các buổi quán triệt, lãnh đạo các trường cũng ghi nhận phản ảnh, kiến nghị của các cán bộ, giáo viên nhà trường (đặc biệt là các giáo viên làm công tác chủ nhiệm, quản sinh các lớp bán trú) về hướng dẫn áp dụng, các hành vi và mức phạt tương xứng.

Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Kim Khánh cho hay, sau khi quán triệt Nghị định 04/2021/NĐ-CP, cán bộ, giáo viên nhà trường nhanh chóng nắm bắt thực hiện. Nhưng các giáo viên cũng băn khoăn khi nghị định không nêu cụ thể hành vi nào được và không được làm mà mới chỉ nêu chung chung nên việc lúng túng trong áp dụng là khó tránh khỏi.

Theo lãnh đạo một trường THPT ở TP.Biên Hòa, để Nghị định 04/2021/NĐ-CP đi vào thực tế và để giáo viên các trường không lúng túng khi áp dụng, cần sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nên sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, với quy định chi tiết mức kỷ luật cho từng hành vi.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202103/quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-giao-duc-can-som-co-huong-dan-cu-the-3049632/