Quỹ Hỗ trợ đầu tư - thiết kế sao cho hợp lý?
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ, với cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư - được hình thành từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh việc xác định đối tượng, hình thức và điều kiện hỗ trợ cho phù hợp thì thiết kế quy trình và thủ tục nhận hỗ trợ thuận lợi, rõ ràng là hết sức quan trọng để đạt được mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.
Theo dự thảo nghị định, Quỹ sẽ hỗ trợ 2 nhóm doanh nghiệp. Nhóm thứ nhất là, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng và đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm. Nhóm thứ hai gồm doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Quỹ sẽ chi trực tiếp bằng tiền mặt hỗ trợ doanh nghiệp các khoản chi phí: đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư tạo tài sản cố định và đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ tín dụng, lãi suất.
Nội luật hóa một chính sách mới liên quan trực tiếp đến cạnh tranh thu hút đầu tư và cam kết quốc tế như thuế tối thiểu toàn cầu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Với Quỹ Hỗ trợ đầu tư, các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp; đối tượng nào được hưởng ưu đãi; nội dung và mức hỗ trợ ra sao… cần được tính toán kỹ lưỡng để cùng lúc đạt được ba mục tiêu: vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa có tác động tích cực lan tỏa và dài hạn cho kinh tế - xã hội, vừa phù hợp với các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, một yêu cầu rất quan trọng là quy trình và thủ tục nhận hỗ trợ phải thật sự thuận lợi và rõ ràng, bởi lẽ đơn giản: nếu không chắc chắn về khả năng được hỗ trợ hoặc nếu gặp khó khăn với quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ, doanh nghiệp có thể quyết định không đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, dự thảo nghị định có một số điều khoản khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa yên tâm. Ví dụ, ngân sách hoạt động của Quỹ sẽ được phân bổ hàng năm - vậy thì phải chăng việc hỗ trợ cũng được quyết định từng năm chứ không theo suốt dự án? Nếu đúng như vậy, thì dù năm nay được hỗ trợ, doanh nghiệp vẫn không chắc chắn năm sau có được hỗ trợ tiếp nữa không.
Hoặc, về mức hỗ trợ, dự thảo nghị định chỉ quy định mức hỗ trợ tối đa. Vậy làm thế nào để được hỗ trợ tối đa? Liệu có dẫn đến nguy cơ xin - cho hay không? Liệu có xảy ra tình huống doanh nghiệp không được hưởng mức tối đa này nếu Quỹ không đủ khả năng chi trả trong năm đó hay không?
Một ví dụ khác, để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện “hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đất đai và các quy định khác của pháp luật”. Các quy định khác của pháp luật ở đây là quy định nào? Yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật mới được hỗ trợ là điều có thể chưa hợp lý. Trong trường hợp vi phạm của doanh nghiệp rất nhỏ và không liên quan đến việc được hỗ trợ, ví dụ như chậm làm thủ tục đăng ký khuyến mại tại một địa phương, mà vẫn cho rằng doanh nghiệp không đủ điều kiện thì rõ ràng không thỏa đáng. Hơn nữa, cơ quan thẩm định điều kiện được hỗ trợ cũng không đủ thời gian, nguồn lực và chuyên môn để chắc chắn rằng doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định của pháp luật trước khi chấp thuận hỗ trợ.
Mục đích thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư là nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Trong khi đó, sự thiếu chắc chắn và thiếu cụ thể và rõ ràng trong quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ nêu trên có thể làm giảm hiệu quả thu hút cũng như giữ chân nhà đầu tư. Đây là điều cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư cần tiếp tục xem xét.