Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, 16 năm không thể thực thi nhưng vẫn cần thiết?

Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) sau nhiều lần lấy ý kiến vẫn còn đó những băn khoăn về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào sáng 29/3, nhiều đại biểu đề nghị bỏ quỹ này vì thực tế 16 năm thực thi, quỹ vẫn chỉ nằm trên giấy mà không thể thành lập, quy định về quỹ trong dự thảo lần này vẫn rất chung chung, mơ hồ, chưa giải quyết được nút thắt đặt ra.

Ông PHẠM TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “Tôi nhất trí với phương án 1 của dự thảo luật, đó là không quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với tư cách là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các quỹ tư nhân về phát triển điện ảnh.”

Việc thành lập quỹ là không hề đơn giản, nhưng nếu bỏ đi hoàn toàn quỹ này cũng có ý kiến cho rằng sẽ tự bỏ lỡ một cơ hội, một nguồn lực để thúc đẩy nền điện ảnh phát triển. Nguồn lực cho văn hóa nói chung và cho điện ảnh nói riêng cần phải dồi dào hơn nữa phải được tương xứng với các lĩnh vực phát triển kinh tế khác.

Ông TRẦN VĂN LÂM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Quỹ điện ảnh có thể trong giai đoạn này chưa đủ đáp ứng các điều kiện để đi vào hoạt động một cách ổn định, độc lập, nhưng nếu bỏ nó đi thì chúng ta bỏ qua một cơ hội để tăng các nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, cho lĩnh vực điện ảnh và sau này nếu mong muốn thành lập cũng không tổ chức được vì luật không cho phép. Trước đây dự thảo luật đã đề cập rồi, mong muốn được thành lập quỹ này nhưng giao cho Chính phủ xem xét khi nào có đủ các điều kiện thì Chính phủ cho vận hành hoạt động tổ chức này, như vậy chúng ta cũng sẽ tạo ra một cơ hội. Tất nhiên mới chỉ là cơ hội tiềm năng để tới đây lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực điện ảnh có thể tiếp cận được nhiều nguồn lực hơn nữa cho sự phát triển trong tương lai."

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, việc thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh không phải vì cơ quan soạn thảo mong muốn có một đặc quyền, đặc lợi, mà cần nhìn theo khía cạnh chính sách của nhà nước đầu tư cho điện ảnh. Về lâu dài Việt Nam nên có quỹ để tránh phụ thuộc vào quỹ nước ngoài. Việc xác định nguồn thu ổn định chính là mấu chốt cho việc thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của quỹ.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch: “Quỹ này chúng tôi đã nhìn thấy khoản thu, ví dụ như nhượng quyền thương hiệu phim, những sản phẩm sau một bộ phim ra đời mà các sản phẩm được đi theo, vấn đề nguồn lợi gia tăng trong công nghiệp điện ảnh và có nhiều như vậy thì sẽ tốt hơn để chúng ta làm. Có được quỹ đó chúng ta sẽ không bị phụ thuộc, vì một số quỹ điện ảnh họ muốn tài trợ cho Việt Nam nhưng họ lại bắt phải đi theo họ. Chúng ta thừa biết không có buổi trưa miễn phí nào của các quốc gia phương Tây khi cho Việt Nam và ở các quốc gia phát triển khác họ đều có quy định này. Các đồng chí xem phim trên không gian mạng đều có chú thích rõ ràng là phim được sản xuất theo quỹ của đất nước họ. Vậy, tại sao Việt Nam mình lại không chịu cho quỹ này, nếu cho quỹ này thì tốt và chúng ta sẽ quản lý để làm cho nó tốt hơn."

Điện ảnh được coi là một trong những sức mạnh mềm để đưa ra cạnh tranh trên trường quốc tế. Để củng cố sức mạnh mềm đó, nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng phát triển quỹ điện ảnh. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu cân nhắc quy định thành lập quỹ để tạo nguồn lực tốt hơn cho phát triển điện ảnh./.

Thực hiện : Dương Dung Quang Sỹ Anh Đức Minh Công Sỹ Cường Đức Minh Xuân Dần

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quy-ho-tro-phat-trien-dien-anh-16-nam-khong-the-thuc-thi-nhung-van-can-thiet