QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH: CẦN XEM XÉT THẬN TRỌNG, THIẾT KẾ QUỸ BẢO ĐẢM CÓ CƠ CHẾ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu cũng như các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực quan tâm góp ý là quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã dành 3 Điều 45, 46, 47 cho nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có mục đích hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài.
Ngoài ra, Quỹ này còn cho vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại.
Trong nhiều cuộc góp ý cho dự Luật Điện ảnh (sửa đổi), các chuyên gia điện ảnh nêu đề xuất, nên có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển, đồng thời kích cầu cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh.
Với kinh nghiệm thực tiễn, TS.Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam đề xuất nên tham khảo kinh nghiệm từ các Quỹ điện ảnh thành công trên thế giới. TS.Ngô Phương Lan nêu dẫn chứng, gần với Việt Nam là Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh Hàn Quốc, với mục đích hỗ trợ sáng tạo và sản xuất phim; đầu tư cho các Hiệp hội chuyên về điện ảnh; hỗ trợ xuất khẩu và trao đổi quốc tế phim nội; hỗ trợ sản xuất phim kinh phí nhỏ, phim ngắn; bảo trì và cải tạo rạp chiếu phim; hỗ trợ các dự án cải thiện phúc lợi người lao động tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án Liên hoan phim của các tổ chức và nhóm dân sự được cơ quan quản lý điện ảnh công nhận; hỗ trợ các dự án đào tạo, giáo dục điện ảnh; các dự án phim nghệ thuật; các dự án liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh; các dự án liên quan đến thúc đẩy đa dạng văn hóa điện ảnh và trách nhiệm cộng đồng của điện ảnh…
Tán thành với các quan điểm nêu trên, Đạo diễn - NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quy định cần thiết, tuy nhiên cũng chưa được cụ thể hóa trong Luật Điện ảnh. Theo NSƯT Bùi Trung Hải cũng không nên bó hẹp về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, mà nên nhìn rộng hơn về sự đầu tư chiến lược của nhà nước cho Điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam cần có sự trợ giúp mạnh mẽ hơn về mặt chiến lược từ Nhà nước. Với một sự tính toán sâu sắc, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược rõ ràng, thực tế về sự phát triển điện ảnh. Đây là nguồn lợi tiềm năng to lớn để phát triển cả kinh tế và văn hóa. Văn hóa hay Điện ảnh cũng chính là quyền lực mềm của một quốc gia. Một trong những mô hình phát triển thành công nhất là sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc.
NSƯT Bùi Trung Hải cũng cho biết thêm, về mặt kinh phí, đã có nhiều ý kiến nghiên cứu hệ thống phát triển điện ảnh của Pháp với quỹ điện ảnh được Nhà nước điều hành lấy kinh phí từ trích phần trăm tiền vé bán tại các rạp. Hoặc theo cách của điện ảnh Trung Quốc với sự kết hợp của điện ảnh và truyền hình.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ mong muốn làm sao đầu tư các nguồn lực cho văn hóa nói chung và cho điện ảnh nói riêng dồi dào hơn nữa, lĩnh vực văn hóa tinh thần phải được quan tâm chăm lo tương xứng với các lĩnh vực phát triển kinh tế khác. Theo đại biểu, Quỹ phát triển điện ảnh có thể trong giai đoạn này chưa đủ đáp ứng các điều kiện để đi vào hoạt động một cách ổn định, độc lập, nhưng nếu không quy định thì chúng ta sẽ bỏ qua một cơ hội để tăng các nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, cho lĩnh vực điện ảnh và sau này nếu mong muốn thành lập cũng không tổ chức được vì luật không cho phép.
“Trước đây dự thảo luật đã đề cập rồi, mong muốn được thành lập quỹ này nhưng giao cho Chính phủ xem xét khi nào có đủ các điều kiện thì Chính phủ cho vận hành hoạt động tổ chức này. Tất nhiên mới chỉ là cơ hội tiềm năng để tới đây lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực điện ảnh có thể tiếp cận được nhiều nguồn lực hơn nữa cho sự phát triển trong tương lai.”, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Theo cơ quan trình dự án Luật, điện ảnh là một ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư; việc quy định thành lập và hoạt động của Quỹ tạo hành lang pháp lý, công cụ hiệu quả hỗ trợ điện ảnh phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Quỹ hướng tới các đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trên thế giới có nhiều quốc gia xây dựng quỹ phát triển điện ảnh… Do đó, cơ quan trình đề nghị giữ Quỹ này trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Về quy định này, thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, một số ý kiến tán thành quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm tạo hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam, góp phần xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế. Một số ý kiến đề nghị không quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật vì một số lý do, trong đó có việc Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính cấp thiết, khả thi của việc xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định. So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64929