Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040: Bước đầu mở ra tiến trình phát triển đô thị hóa

Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị Thanh Hóa.

Một trong những trung tâm kinh tế xã hội

Sáng 15/4, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 theo Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

 Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

TP Thanh Hóa có vị trí rất quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ, giữ vai trò, vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa; cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Bắc Trung bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước.

Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được phê duyệt với mục tiêu xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, hướng tới thành phố thông minh, văn minh, hiện đại là một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Quy hoạch đô thị đã mở rộng không gian phát triển của thành phố Thanh Hóa bao gồm toàn bộ TP Thanh Hóa hiện nay và toàn bộ diện tích của huyện Đông Sơn, đưa quy mô đô thị của thành phố tương lai lên diện tích khoảng gần 23.000 ha, là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô diện tích lớn nhất cả nước.

Về tính chất, chức năng đô thị, TP Thanh Hóa được xác định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ và vùng phía Nam Bắc bộ. Là đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước và quốc tế...

Quy mô dân số, đất đai đô thị

Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 phê duyệt về quy mô dân số hiện trạng khoảng 440.000 người. Dự báo đến năm 2030 khoảng 780.000 đến 800.000 người; đến năm 2040 khoảng 1 triệu người. Về quy hoạch đất xây dựng đô thị: Đất xây dựng đô thị hiện trạng khoảng 7.634ha, chiếm khoảng 34% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị.

Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 11.181ha, chiếm khoảng 49% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 14.019ha, chiếm khoảng 61% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị.

Định hướng phát triển không gian là phát triển không gian đô thị tập trung, lan tỏa kết nối với ý tưởng chủ đạo là: Tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (vịnh Bắc bộ), lấy dãy Ngàn Nưa làm chỗ dựa, phát triển đô thị hai bên bờ sông Mã, kết nối mạnh về phía Đông, hướng ra biển.

Đặc biệt, đô thị Thanh Hóa phát triển theo mô hình “tập trung, đa tâm”; điều chỉnh mô hình “vành đai - xuyên tâm" thành mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm”. Lấy trục Đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên”.

Cùng với đó, trong quy hoạch đô thị Thanh Hóa cũng định hướng phát triển các khu vực gồm: Khu vực đô thị gắn với trung tâm hiện hữu; Khu vực đô thị gắn với trung tâm Hàm Rồng – Núi Đọ; Khu vực đô thị gắn với trung tâm Đông Bắc tại Bắc sông Mã; Khu vực đô thị gắn với trung tâm Đông Nam; Khu vực đô thị gắn với trung tâm phía Tây và Khu vực đô thị gắn với trung tâm Tây Nam. Quy hoạch còn chỉ rõ định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng viễn thông thụ động...

Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định, đây là dấu mốc lịch sử rất quan trọng, mở ra triển vọng phát triển mới của đô thị Thanh Hóa, bao gồm thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn và đây cũng là sự kiện rất có ý nghĩa trong tiến trình phát triển đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các đơn vị liên quan cần phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khoa học, đặc biệt trong quản lý, phát triển đô thị, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, xác định rõ thời gian hoàn thành. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị, các ngành và địa phương.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành đề án Phân loại đô thị để đề nghị công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I, làm cơ sở thực hiện mục tiêu nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa theo đúng tiến độ đã đề ra. Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch và phát triển đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội và người dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Đặc biệt, tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển toàn diện của đô thị Thanh Hóa.

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng trao Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trao Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa và TP Thanh Hóa trong quá trình thực hiện quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa để tạo động lực cho TP Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung phát triển bền vững, có nhiều đột phá.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, được thông qua thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa mong tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa để thực hiện thành công quy hoạch, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh kiểu mẫu của cả nước.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-hoach-chung-do-thi-thanh-hoa-den-nam-2040-buoc-dau-mo-ra-tien-trinh-phat-trien-do-thi-hoa-post243801.html