Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa - 'xương sống' của sự phát triển (Bài 2): Điểm tựa để biến tiềm năng thành động lực phát triển
Có nhận định cho rằng, một quy hoạch có chất lượng không chỉ là một bản lý thuyết phát triển không gian, mà phải là một bức đồ họa tổng thể sinh động, phản ánh về các mô hình phát triển cụ thể. Nói cách khác, quy hoạch phải là 'xương sống' để từ đó cho người ta sự hình dung về một sơ đồ phát triển tương ứng.
Khu vực Tượng đài Lê Lợi - trung tâm TP Thanh Hóa.
Đột phá về diện mạo đô thị
Quy hoạch đô thị được hiểu là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Theo đó, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, hướng đến xây dựng TP Thanh Hóa trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn.
Đặc biệt, định hướng phát triển không gian đô thị từ quy hoạch này, phản ánh những ý tưởng sáng kiến hết sức thú vị: “tựa núi (dãy Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (Vịnh Bắc bộ)”. Đồng thời, phát triển đô thị theo mô hình “tập trung, đa tâm”, với việc điều chỉnh mô hình “vành đai - xuyên tâm”, thành mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm”: Lấy trục Đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm; lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị; lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên”.
Cụ thể, “3 trục phát triển” chính gồm: Trục truyền thống (theo hướng Bắc - Nam dọc Quốc lộ 1A cũ, nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng, khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam); trục phát triển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam (theo các trục đường Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Đại lộ Đông - Tây, Đại lộ Nam sông Mã, nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ nút giao đường bộ cao tốc Đông Xuân, qua trung tâm hiện hữu của thành phố, kết nối với thành phố du lịch biển Sầm Sơn); trục phát triển mới theo hướng Tây Nam - Đông Bắc (từ đường trung tâm thành phố đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, qua Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến, kết nối các khu vực có vai trò động lực phát triển mới).
“6 trung tâm tích hợp” bao gồm: Trung tâm hiện hữu (chức năng trọng tâm là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố và của cả tỉnh Thanh Hóa); Trung tâm Hàm Rồng - núi Đọ (chức năng trọng tâm là trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái); Trung tâm Đông Nam (chức năng trọng tâm là trung tâm thể dục - thể thao cấp tỉnh, trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm đô thị mới theo hướng liên kết TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn); Trung tâm Đông Bắc (chức năng trọng tâm là dịch vụ thương mại khu vực Bắc sông Mã và trung tâm đô thị mới; liên kết TP Thanh Hóa với vùng đô thị hóa huyện Hoằng Hóa và vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa); Trung tâm phía Tây (chức năng trọng tâm là công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ đầu mối nông - lâm sản; liên kết TP Thanh Hóa với các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và vùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa); Trung tâm phía Tây Nam (chức năng trọng tâm là nông nghiệp đô thị và trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao; liên kết với các huyện Quảng Xương, Nông Cống và vùng phía Nam tỉnh Thanh Hóa).
Ngoài ra, “1 hành lang sinh thái tự nhiên” hình thành hai bên sông Mã, với các công viên sinh thái dọc sông Mã, phù hợp thủy văn và cảnh quan bên sông.
Động lực phát triển đô thị
Đô thị Thanh Hóa nằm ở vị trí kết nối vùng biển với vùng đồng bằng sông Mã - sông Chu và phía sau là toàn bộ vùng miền núi phía Tây rộng lớn của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào. Cùng với đó, trong bối cảnh phát triển chung của đất nước và nhất là nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đến các vùng đất mới, đã và đang là cơ sở để khai thác các tiềm năng, lợi thế và biến nó thành động lực quan trọng cho phát triển đô thị Thanh Hóa. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển tổng thể tỉnh Thanh Hóa, TP Thanh Hóa được xác định là trung tâm hỗ trợ cho các cực tăng trưởng xung quanh, nhất là Khu Kinh tế Nghi Sơn, cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội và cơ chế thuận lợi hỗ trợ cho phát triển đô thị Thanh Hóa. Ngoài ra, các công trình hạ tầng đầu mối đã và đang từng bước được hoàn thành như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Nghi Sơn và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung và khu vực quy hoạch đô thị Thanh Hóa nói riêng, sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển bùng nổ của đô thị Thanh Hóa trong giai đoạn tới.
Trong chiến lược tổng thể, đô thị Thanh Hóa được định hướng trở thành trung tâm liên kết vùng Bắc Trung bộ với Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào, với các đầu mối giao thông và các trung tâm cấp vùng trong một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, phát triển đô thị Thanh Hóa thành trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa, xứng tầm đại diện cho sự phát triển năng động, mạnh mẽ của tỉnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; trở thành thành phố đô thị hiện đại trong khu vực Bắc Trung bộ, hướng tới là một đô thị quan trọng trong tứ giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa. Xây dựng hình ảnh đô thị Thanh Hóa có lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời, đặc trưng cảnh quan sinh thái ven sông Mã, đặc trưng đô thị tại đồng bằng Bắc Trung bộ. Phát triển thành phố với mô hình đô thị thông minh và sinh thái, năng động và hấp dẫn; tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, thu hút dân cư đến làm việc và sinh sống, tăng cao mật độ dân cư của thành phố.
Trên cơ sở đó, quy hoạch cũng đề ra các chiến lược cụ thể để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, từng bước tạo dựng diện mạo đô thị vừa hiện đại, vừa truyền thống. Cụ thể: Chiến lược “Phát triển nền kinh tế xanh, linh hoạt và thích ứng”, trong đó tập trung phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc gia, tham khảo chuẩn mực quốc tế; phát triển kinh tế mở, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực để đón bắt các cơ hội phát triển; ưu tiên, khuyến khích việc chuyển đổi sang các hình thức sản xuất, kinh doanh sạch, thân thiện với môi trường; tăng tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế. Xây dựng cấu trúc không gian mở, linh hoạt theo nhu cầu phát triển theo các giai đoạn, phát triển phù hợp điều kiện thực tế hướng tới “xanh hơn, thân thiện môi trường hơn”; trong đó, xác định các quy định quản lý bắt buộc và tiên quyết để hướng tới tăng trưởng xanh.
Chiến lược “Xây dựng bản sắc và đặc trưng kiến trúc cảnh quan”, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị vành đai núi, sông Mã và các con sông trong đô thị trở thành đặc trưng nổi bật về cảnh quan cho đô thị Thanh Hóa; trong đó, đặc biệt chú trọng định hướng xây dựng thành phố hai bên bờ sông Mã, với trọng tâm là khu vực Hàm Rồng - núi Đọ; phát triển hình ảnh đặc trưng theo từng khu vực và tổng thể toàn đô thị; xây dựng các công trình điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan; kiểm soát chặt chẽ về cao độ công trình cao tầng và hoạt động xây dựng tại các khu vực cảnh quan tự nhiên. Chiến lược “Hợp tác và kết nối”, tăng cường kết nối để hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác phát triển; tăng cường kết nối với các đô thị xung quanh (TP Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn; thị xã Nghi Sơn; TP Vinh, tỉnh Nghệ An; TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình...) để tối ưu hóa các tiềm năng, lợi thế; hợp tác với các khu vực kinh tế trong và ngoài tỉnh tạo chuỗi dịch vụ, tiện ích hỗ trợ lẫn nhau để tạo mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ; kết nối các dự án, công trình trọng điểm tạo chuỗi dịch vụ và sử dụng chung hạ tầng hỗ trợ; tăng cường sự tham gia của cộng đồng và xã hội vào phát triển dịch vụ.
Chiến lược “Xây dựng hạ tầng hiện đại và thông minh”, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, đặc thù của đô thị trung tâm tổng hợp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo; xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với các giải pháp thiết kế sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông minh vào công tác quản lý, điều hành, giám sát và vận hành đô thị, ứng phó với các tai biến môi trường. Chiến lược “Phát triển không gian công cộng, sinh thái và văn hóa”, tập trung phát huy các đặc trưng sinh thái văn hóa gắn cảnh quan với sông Mã, Hàm Rồng - núi Đọ và lối sống lâu đời của Nhân dân trong vùng để xây dựng đặc trưng văn hóa, sinh thái cho đô thị Thanh Hóa; phát triển hệ thống không gian công cộng và đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân trong và ngoài đô thị đối với các dịch vụ công cộng; phát triển các không gian công cộng phục vụ hoạt động của cộng đồng và các công trình văn hóa, không gian văn hóa, tạo môi trường giao lưu văn hóa.
Có thể khẳng định, với những hình dung về diện mạo đô thị từ Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, đồng thời với việc triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch bằng lộ trình và nhiệm vụ cụ thể, TP Thanh Hóa sẽ thực sự trở thành trung tâm tổng hợp, đồng thời là đô thị hạt nhân có vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.