Quy hoạch Đà Nẵng trong tương lai ra sao?
Quy hoạch đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ...
Phát triển đô thị nén, không gian ngầm ở trung tâm
Theo Quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ thông qua, toàn thành phố được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu.
Cụ thể gồm, phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông: diện tích khoảng 6.644 ha; Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng: diện tích khoảng 1.530 ha; Phân khu Cảng biển Liên Chiểu: diện tích khoảng 1.285 ha; Phân khu Công nghệ cao: diện tích khoảng 5.585 ha; Phân khu Trung tâm lõi xanh: diện tích khoảng 4.775 ha; Phân khu Đổi mới sáng tạo: diện tích khoảng 3.903 ha.
Phân khu Sân bay: diện tích khoảng 1.327 ha; Phân khu đô thị Sườn đồi: diện tích khoảng 2.729 ha; Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: diện tích khoảng 2.986 ha; Phân khu Dự trữ phát triển: diện tích khoảng 5.858 ha; Phân khu sinh thái phía Tây: diện tích khoảng 57.692 ha; Phân khu sinh thái phía Đông: bao gồm huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4.232 ha.
Cùng với đó, thành phố sẽ điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực. Phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn.
Theo định hướng phát triển khu vực trung tâm - khu đô thị hiện hữu gồm 6 quận nội đô (Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp) sẽ được định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.
Hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một khu trung tâm kinh doanh thương mại (Central Business District - CBD) hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống.
Các khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số thấp hơn khu vực lõi sẽ phát triển với mật độ dân số cao hơn, mật độ xây dựng phù hợp quy chuẩn, hình thành các không gian xanh công cộng, các không gian mở trong các khu dân cư, xây dựng hệ thống giao thông tích hợp với mạng lưới giao thông công cộng chung toàn thành phố.
Trong khi đó, khu đô thị mới sẽ phát triển về phía Tây, Tây Bắc thành phố. Đến năm 2030, khu vực đô thị hóa được xác định tại 9 xã của huyện Hòa Vang bao gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%.
Đà Nẵng cũng sẽ phát triển không gian ngầm ở khu vực trung tâm. Cụ thể, sẽ xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng.
Hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch, đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Theo quy hoạch phương án phát triển các khu chức năng Đà Nẵng sẽ chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Cùng với đó sẽ hình thành mới các khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các khu công nghiệp hiện hữu. Đồng thời, sẽ nghiên cứu quy hoạch bổ sung Khu công nghiệp Hòa Vang để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu.
Riêng khu công nghệ cao sẽ sớm đưa các khu chức năng vào hoạt động trước năm 2025. Điều chỉnh, mở rộng khu công nghệ cao Đà Nẵng khi được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo các điều kiện theo quy định, trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.
Sắp xếp lại đơn vị hành chính xã phường
Theo quy hoạch, phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 có 16 đơn vị hành chính cấp xã (16 phường) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính, gồm các phường: Thạch Thang, Hải Châu I, Hải Châu II, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Bình Thuận (thuộc quận Hải Châu); các phường: Tam Thuận, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Tân Chính, Chính Gián, Vĩnh Trung, Thạc Gián, Hòa Khê (thuộc quận Thanh Khê) và phường An Hải Đông (thuộc quận Sơn Trà).
Trong đó, phường Thạch Thanh có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, nằm ở vị trí trung tâm của quận Hải Châu, tập trung nhiều cơ quan hành chính, có yếu tố lịch sử, văn hóa, có di tích quốc gia đặc biệt, thuộc trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét không sắp xếp.
Giai đoạn 2026-2030 sẽ thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quy-hoach-da-nang-trong-tuong-lai-ra-sao-post1589274.tpo