Quy hoạch điện VIII cần cập nhật những nội dung gì?
Quy hoạch điện VIII có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia do đó cần phải tính toán cân nhắc thật kỹ.
Ghi nhận nỗ lực của Bộ Công Thương
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) ngày 20 tháng 8 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với nhiều điểm mới, ưu việt. Quy hoạch đã bám sát các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực cụ thể hóa các giải pháp thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Theo Thủ tướng, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt và phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt về một số nguyên tắc, quan điểm chủ đạo như: Đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết; không được vì lợi ích cục bộ của địa phương, vùng, miền hay vì lợi ích nhóm mà có tác động, ảnh hưởng đến tính khách quan, khoa học, hiệu quả và tối ưu của quy hoạch.
Bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời phải hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Cần xem xét quy hoạch tối ưu tổng thể và cho 5 khâu cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: Nguồn điện; Truyền tải điện; Phân phối điện; Sử dụng hiệu quả điện; Giá điện. Phải bảo đảm quy hoạch tối ưu nhất, hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện xa, giảm tổn thất điện năng, nhất là giải pháp góp phần tính giá điện phải hợp lý nhất, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và theo cơ chế thị trường.
Phải có tính khả thi để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống. Nhưng giá điện phải hợp lý với điều kiện của Việt Nam và không cao hơn các nước trong khu vực, nhất là giá điện gió và điện mặt trời.
Phải giải quyết được các tồn tại, bất cập trong quản lý, thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; vừa có tính kế thừa những nội dung hợp lý, hiệu quả song không hợp thức hóa cái sai; nhưng phải có giải pháp hợp lý, hiệu quả xử lý những vấn đề phát sinh do thực tiễn khách quan và đảm bảo lợi ích của quốc gia, người sử dụng điện.
Trong bối cảnh có nhiều biến động về năng lượng, chuyển đổi năng lượng trên thế giới do các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, sự thay đổi, phát triển rất nhanh của công nghệ trong ngành năng lượng và yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.
Giảm than, điều chỉnh khí, tăng năng lượng tái tạo
Trên cơ sở xem xét, thảo luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục hoàn thiện những nội dung sau:
Cập nhật tính toán thời gian quy hoạch, đồng bộ các nội dung của Quy hoạch điện VIII có tầm nhìn đến năm 2050 thay vì tầm nhìn đến 2045 như dự thảo.
Rà soát giảm nguồn điện than đến năm 2030. Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khác đang triển khai song hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc về thu xếp vốn, để trao đổi, thống nhất về việc có tiếp tục hay không tiếp tục các dự án điện than trong điều kiện hiện nay hoặc phương án xử lý khác.
Tính toán cân đối giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030.
Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió với quy mô phù hợp, khả thi. Thủ tướng cho rằng, gió, nắng không ai lấy được của ta và cũng không phải mua; do vậy, phải tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện vì càng ngày công nghệ càng phát triển và sẽ giảm giá theo thời gian.
Đối với quy hoạch nguồn điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030 cần tiếp tục rà soát để bảo đảm hiệu quả kinh tế chung, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý; đồng thời không hợp thức hóa cái sai. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia.
Tính toán thêm về quy mô nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, nhất là từ CHDCND Lào, nâng quy mô phát triển nguồn điện sinh khối, hydrogen, linh hoạt..., nhất là những nơi có điều kiện trồng rừng và sản xuất hydrogen.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu cần nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện Quy hoạch, vừa chủ động, vừa linh hoạt. Đồng thời, nghiên cứu việc phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực và đề cao trách nhiệm của các cấp trong quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đ.Dũng