Quy hoạch điện VIII 'gỡ vướng' cho dự án đốt rác phát điện tại TP.HCM
Mới đây, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, đây là cơ sở để TP.HCM sớm gỡ vướng dự án đốt rác phát điện.
Với lượng rác phát sinh gần 10.000 tấn mỗi ngày và được xử lý lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp, đốt,… đang gây lãng phí tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường. Trước sức ép này, cuối năm 2019, TP.HCM đồng loạt khởi công 3 dự án nhà máy đốt rác sinh hoạt, thu hồi năng lượng để phát điện. Thế nhưng, đến nay, các dự án vẫn “án binh bất động” vì vướng thủ tục.
Mới đây, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, đây là cơ sở để TP.HCM sớm gỡ vướng dự án đốt rác phát điện.
Nằm im sau khởi công
Nhà máy xử lý đốt rác phát điện Vietstar tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) là một trong 3 dự án đốt rác phát điện ở TP.HCM được khởi công vào cuối năm 2019. Với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, dự án được chia làm 4 giai đoạn, tổng công suất xử lý lên đến 10.000 tấn rác/ ngày. Trong đó, ở giai đoạn 1A, dự án hứa hẹn đưa vào vận hành cuối năm 2020, với công suất xử lý khoảng 2.000 tấn rác mỗi ngày.
Thế nhưng, đến nay, sau 3 năm khởi công, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm. Ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietstar - chủ đầu tư dự án cho biết, dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại đã sẵn sàng, nhưng đang phải chờ… thủ tục.
Theo ông Việt: “Tất cả chúng tôi đã chuẩn bị hết, đất đai có, tài chính cũng sẵn sàng, công nghệ đã được chấp nhận, kinh nghiệm cũng có. Nhưng hiện tại tất cả các giấy phép cho dự án đốt rác phát điện đều “đứng” hết, không có giấy phép nào được cấp để doanh nghiệp chúng tôi triển khai dự án”.
Không chỉ mỗi dự án của Công ty Cổ phần Vietstar mà 2 dự án đốt rác phát điện khác ở TP.HCM là nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Tasco cũng đều trong tình trạng “án binh bất động” suốt thời gian qua.
Lý giải về hiện trạng trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, do vướng nhiều thủ tục, quy trình và chưa có quy hoạch điện cho các nhà máy này.
“Hiện quy mô các nhà máy này đều có quy mô lớn, thiết kế cấp Bộ duyệt, sau khi Bộ duyệt thì UBND Thành phố sẽ cấp phép xây dựng, trên cơ sở đó nhà máy được triển khai. Khâu quan trọng nữa là quy hoạch đấu nối điện và việc mua lại điện của ngành điện. Như vậy tất cả những cái này mà làm thì cũng phải có lộ trình và thời gian nhất định” - ông Thắng cho biết.
Sớm gỡ vướng, hoàn thành các dự án
Mới đây tại cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Thành phố rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn.
Chính vì vậy, cuối năm 2019, TP.HCM đã hỗ trợ cho phép các doanh nghiệp thực hiện một số công việc tạm thời trong thời gian tiến hành thủ tục xin phép xây dựng, như: xây tường rào, ép cọc, xây dựng lán trại, chuẩn bị mặt bằng.
Theo ông Hiền, ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó, có 2 dự án nhà máy xử lý rác phát điện của Công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa được phê duyệt quy hoạch điện 40MW. Đây là cơ sở pháp lý để TP.HCM sớm gỡ vướng và hoàn thành các dự án.
Ông Hiền cho biết thêm: “Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND TP.HCM giúp cho các công ty triển khai các công việc tiếp theo trong xin phép xây dựng và triển khai xây dựng. Chúng tôi sẽ theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện để làm sao đảm bảo được tiến độ dự án theo yêu cầu của UBND TP, sớm hoàn thành các dự án, các nhà máy đốt rác phát điện”.
Tiến tới đô thị thông minh, xử lý rác thải sinh hoạt theo hướng tái chế và đốt rác phát điện là định hướng của TP.HCM đã được đề cập trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, khoảng 80% rác thải được đốt phát điện và tái chế để giảm thiểu ô nhiễm từ hệ lụy của việc chôn lấp rác gây ra như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, nước rỉ rác, mùi hôi phát tán ra môi trường...
Tuy nhiên, việc các dự án đốt rác phát điện đồng loạt khởi công rồi lại lặng lẽ nằm đó đang khiến hệ lụy từ việc chôn lấp rác tiếp tục bị kéo dài và ngày càng trầm trọng hơn, đồng thời gây lãng phí tài sản của doanh nghiệp.
Ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietstar chia sẻ: “Vấn đề rác, môi trường là vấn đề tiếp diễn và tích tụ lại, chứ không phải không xử lý thì sẽ không sao. Nếu không xử lý thì năm tới mình có một vấn đề nặng hơn. Ba năm không làm thì vấn đề rác nó tích tụ ba năm. Sau này làm tiếp thì phải xử lý lại cái mà mình tích tụ”.
Dự báo đến năm 2025, mỗi ngày TP.HCM phát sinh 12.500 tấn rác. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 31% lượng rác sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, tái chế, còn lại là chôn lấp. Các doanh nghiệp xử lý rác mong muốn TP.HCM thúc đẩy, hỗ trợ nhiều hơn nữa về các thủ tục để họ nhanh chóng được áp dụng công nghệ mới trong xử lý rác thải sinh hoạt. Từ đó, góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng chôn lấp rác và giải quyết tình trạng thiếu điện như hiện nay./.