Quy hoạch Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt: Đừng vì lợi trước mắt mà đánh mất di sản!
Nhiều kiến trúc sư cho rằng các phương án quy hoạch đồi di sản Dinh Tỉnh trưởng sẽ phá vỡ hoàn toàn kiến trúc Đà Lạt, phá hủy mảng xanh vô giá của TP này
Từ ngày 14-8 đến 14-9, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND TP Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt. Các phương án kiến trúc vừa triển lãm đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận.
Đã đổi mới, lắng nghe?
Tại triển lãm, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đưa ra 3 phương án kiến trúc đi kèm thông tin về chỉ tiêu kiến trúc cùng các hình ảnh... và phát phiếu lấy ý kiến để chọn ra phương án tối ưu cho kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng. Theo quy hoạch, khu vực này mở rộng đến 19 ha, cao 10 tầng (khối đế 3 tầng, khối tháp 7 tầng), chiều cao công trình 55 m.
Phương án 1: Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28 m so với vị trí ban đầu và thêm không gian vườn thực vật, không gian hội nghị, sự kiện, thương mại, nhà hàng; trong đó, không gian lưu trú được xem sẽ là công trình điểm nhấn. Phương án 2: Giữ lại những mảng xanh hiện hữu; di dời công trình Dinh Tỉnh trưởng về phía Nam và xây các công trình kiến trúc mới, đồng thời mở ra 1 khu vườn theo phong cách Pháp. Phương án 3: Giữ lại 30% khoảng cây xanh Dinh Tỉnh trưởng, xây dựng tòa nhà lớn bên cạnh, cao hơn 2 lần Dinh Tỉnh trưởng, ngoài ra còn các khối nhà được làm bán hầm, phủ trên là cây xanh.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, dự án hướng đến nâng cao giá trị kiến trúc của Dinh Tỉnh trưởng để tạo một không gian công cộng, một địa chỉ văn hóa, một luồng sinh khí mới cho khu vực trung tâm của TP Đà Lạt. Ông Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Lạt, cho biết đây là công trình trọng điểm của UBND tỉnh Lâm Đồng nên các cơ quan chức năng tổ chức triển lãm trực quan để lấy ý kiến.
"Điều đó rất đáng mừng vì chính quyền địa phương có sự đổi mới, lắng nghe nhằm lấy ý kiến toàn dân đóng góp. Hội Kiến trúc sư Đà Lạt sẽ được mời tham dự đóng góp ý kiến cụ thể sau, do mùa dịch bệnh nên tất cả cơ quan chức năng đều thận trọng…" - ông Tứ nói.
Cả 3 phương án đều không ổn
Ông Nguyễn Hàng Tình, người đã gắn bó với Đà Lạt gần 30 năm, khẳng định tất cả quy hoạch của Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây có một ý được nhắc lại nhiều lần, đó là hạn chế xây dựng ở khu trung tâm, đưa những hoạt động kéo giãn dân cư ra bên ngoài để bảo vệ, chỉnh trang khu trung tâm. Tuy nhiên, hoạt động như bây giờ là không đúng theo chỉ đạo của trung ương.
Dinh Tỉnh trưởng nằm trên ngọn đồi cao nhất ở trung tâm Đà Lạt. Hơn 100 năm trước, người Pháp khi xây dựng biệt thự này đã tính đến sự hài hòa của tổng thể Đà Lạt và cũng là một di tích kiến trúc rất quan trọng. Bây giờ, nếu xây dựng một khối nhà cao tầng ở trên ngọn đồi này sẽ phá vỡ toàn bộ sinh cảnh nơi đây. Trước đây, Viện Nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đã đề xuất xem đây là công trình kiến trúc phải được bảo tồn. Đặc biệt, với Đà Lạt, giá trị kiến trúc Pháp có ý nghĩa rất quan trọng, như nguồn sữa để nuôi sống ngành du lịch một cách bền vững. "Trong hội thảo kiến trúc Đà Lạt vào tháng 4-2004, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó vừa mới nghỉ hưu đề nghị tất cả kiến trúc giá trị của Đà Lạt phải được bảo tồn. Riêng tỉnh Lâm Đồng cũng đang hướng Đà Lạt trở thành TP di sản. Di sản của Đà Lạt là quỹ kiến trúc Pháp. Vậy thì vì sao lại phải đập đi, xóa bỏ đi những công trình kiến trúc mang đậm nét kiến trúc Pháp như Dinh Tỉnh trưởng?" - ông Nguyễn Hàng Tình băn khoăn.
PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng - cho rằng về 3 phương án trên, suy cho cùng là xây dựng khách sạn cao tầng, không phù hợp với không gian nghỉ dưỡng, không còn giữ được đặc trưng của Đà Lạt nữa.
"Đà Lạt đang rất căng thẳng về giao thông và xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, bê-tông hóa ồ ạt gây nên ngập lụt thường xuyên mỗi khi mưa xuống. Đừng làm nên những trung tâm phức hợp khách sạn, siêu thị… rối ren thêm như thế. Trong khi đó, Đà Lạt đã có rất nhiều siêu thị, trung tâm thương mại nhưng vẫn chưa sử dụng hết công năng của nó" - ông Nguyễn Mộng Sinh nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồ, Hội Kiến trúc sư TP HCM, cho hay ông không thể nào hiểu nổi việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng đưa ra những phương án kỳ lạ đến mức không ai ngờ như thế. Điều này đi ngược lại với cộng đồng, không lắng nghe ý kiến của các chuyên gia vốn đã phản ứng gay gắt khi công khai đề án trước kia.
"Thông qua các phương án quy hoạch đồi di sản Dinh Tỉnh trưởng chúng ta mới vỡ lẽ, quỹ đất vàng được sử dụng tại khu vực này là rất kinh khủng, phá vỡ hoàn toàn kiến trúc Việt ở Đà Lạt, phá hủy mảng xanh được xem là vô giá của TP ngàn hoa này. Chúng tôi rất lo âu khi TP Đà Lạt cho trưng bày những phương án vô hồn với Đà Lạt như thế này. Đồng ý rằng cái nhà của mình đã cũ thì mình dọn lại, sửa lại nhưng phải sửa sao cho phù hợp. Dấu ấn về di sản văn hóa của một thời kỳ lịch sử là vô giá, nếu đánh mất nó không bao giờ lấy lại được. Đừng vì lợi ích trước mắt mà làm mất đi lòng tin và kỳ vọng của người dân" - kiến trúc sư Nguyễn Hồ nêu rõ.
"Lá phổi xanh" của TP ngàn hoa
Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt được xây dựng từ trước năm 1910 với lối kiến trúc Pháp, 2 tầng lầu, 1 tầng trệt gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Đà Lạt.
Đây là nơi sinh sống và làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia. Do đó, người dân địa phương vẫn quen gọi là "Dinh Tỉnh trưởng". Hiện nay, nơi đây đang được một số cơ quan nhà nước ở Đà Lạt sử dụng. Dinh Tỉnh trưởng tọa lạc trên đồi cao, ở cuối đường Lý Tự Trọng, phường 1, hiện còn một khoảnh rừng nhỏ được xem là mảng xanh, "lá phổi" nhỏ trong tình hình bê-tông hóa ngày càng nhiều ở trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt.
TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Hãy chung tay bảo vệ Đà Lạt
Thật đáng thất vọng khi chỉ sau vài tháng Đà Lạt đề ra chủ trương phấn đấu trở thành đô thị di sản, UBND TP Đà Lạt lại cho triển lãm phương án khu Hòa Bình - Đà Lạt lấy ý kiến người dân trong một tháng.
Đồ án triển lãm này chỉ chú trọng tô vẻ thêm bề ngoài, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn khu Hòa Bình của cộng đồng, các cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam...), các chuyên gia trong nước và ngoài nước.
Thật ra, dự án này vẫn có thể có giá trị cho Lâm Đồng nếu chọn xây ở một khu đất trống phù hợp hơn tại Đà Lạt. Hiển nhiên, việc cố tình chọn xây dựng trên nền công trình di sản, bên cạnh ý chí lợi ích riêng của nhà đầu tư và của một số lãnh đạo địa phương, còn có sự tiếp tay của kiến trúc sư thiếu chữ tâm. Để chống chế cho các thiết kế phá hỏng không gian di sản Đà Lạt, tác giả thường nhắc đến 3 công trình hiện đại từng bị phản đối mạnh mẽ tại Paris, sau đó trở thành di sản kiến trúc được mọi người công nhận là tháp Eiffel, kim tự tháp kính của Bảo tàng Louvre và Trung tâm Văn hóa Pompidou.
Do đó, nói một cách thẳng thắn, Đà Lạt chỉ có 2 khu di sản chính là: khu di sản phố Pháp và khu di sản phố Việt Hòa Bình. Việc nhất quyết phá bỏ di sản để xây dựng mới tại đây chỉ làm lợi cho nhà đầu tư, bất chấp mọi thiệt hại cho giá trị đô thị di sản của Đà Lạt.
Cả 3 phương án đề xuất trong triển lãm đều không ổn, vì bản chất muốn đưa một công trình khối tích lớn lên đỉnh đồi đã sai cơ bản về tiêu chí quy hoạch bảo tồn di sản, mà kiến trúc sư cần có ý thức trách nhiệm để từ chối phục vụ cho nhà đầu tư. Dù che giấu dưới lớp diễn họa không gian đồi xanh quanh công trình như một phương án của kiến trúc sư Pháp đi nữa thì ban đêm đèn của công trình vẫn phải chiếu sáng, tạo thành một khối ánh sáng khổng lồ, chưa kể đến việc phải điều hòa nhiệt độ cho toàn bộ công trình làm thay đổi khí hậu xung quanh và chặt hết rừng thông trên đồi...
Khu Hòa Bình không chỉ là di sản của riêng Đà Lạt mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam, do nhiều thế hệ người Việt Nam tạo nên. Rất mong những người quan tâm hãy tiếp tục chung tay bảo vệ di sản này của Đà Lạt, khuyến nghị chủ đầu tư hãy xây dựng dự án ở rất nhiều khu đất trống khác của Lâm Đồng.Đình Thi ghi