Quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội cần 40 tỷ USD trong 10 năm liệu có khả thi?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đường sắt đô thị của Hà Nội hiện nay cần khoảng 40 tỷ USD, trong khi phải huy động và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm, phấn đấu sẽ làm xong vào năm 2035.

Quy hoạch đường sắt đô thị liệu có giúp giảm ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi? (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Quy hoạch đường sắt đô thị liệu có giúp giảm ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi? (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Đường sắt đô thị của Hà Nội cần khoảng 40 tỷ USD và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm. Vấn đề là cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện ra sao để làm được điều này?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa diễn ra ngày 20/6.

Quy hoạch đã có nhiều đổi mới khác biệt

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để tiếp thu, giải trình những vấn đề các đại biểu quan tâm, nhằm có được Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng tốt nhất và tính khả thi cao nhất.

Theo ông, quy hoạch của Hà Nội đã bám sát vào các nhiệm vụ lập quy hoạch, bám sát vào các nghị quyết, các chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương về định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy đột phá như: định hướng phát triển là thành phố quay mặt ra sông Hồng hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết các vấn đề về môi trường nước, trong đó có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội...

 Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Yên Nghĩa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Yên Nghĩa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quy hoạch đã có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác, như chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, di sản, thể hiện Thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa quốc gia, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, quy hoạch cũng đã tập trung vào tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ vai trò trung tâm, là động lực để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước.

Bản quy hoạch cũng thể hiện được định hướng phát triển, là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, tiếp thu những kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế về phát triển cơ sở hạ tầng mới tại các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là những cơ sở hạ tầng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, qua đó thể hiện sự phát triển đô thị theo mô hình điều chỉnh cấu trúc không gian, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông công cộng...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá quy hoạch đã cơ bản xem xét từ những “điểm nghẽn” lớn hiện nay của thành phố như vấn đề ngập úng, ô nhiễm môi trường, giao thông đô thị, an ninh nguồn nước…

Đường sắt đô thị Hà Nội cần 40 tỷ USD

Trước ý kiến các đại biểu cho rằng vấn đề thực hiện quy hoạch là rất quan trọng, ông Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Lập quy hoạch đã khó nhưng chưa khó bằng chúng ta giữ được và thực hiện được.”

 Tàu điện trên cao đã trở thành phương tiện được đông đảo người dân Thủ đô lựa chọn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tàu điện trên cao đã trở thành phương tiện được đông đảo người dân Thủ đô lựa chọn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về huy động nguồn lực, theo Bộ trưởng, đường sắt đô thị của Hà Nội hiện nay cần khoảng 40 tỷ USD, trong khi phải huy động và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm, phấn đấu làm xong vào năm 2035. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng băn khoăn vậy cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện ra sao để làm được điều này bởi nếu không quy hoạch sẽ chỉ là định hướng tương lai, là kỳ vọng mong muốn, chứ không khả thi.

Cho rằng đây là vấn đề lớn và khó, theo ông Dũng, sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện lại và khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch này một cách khả thi nhất. Trong đó, có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai, thứ tự, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên.

Theo Bộ trưởng điều thuận lợi là hiện đang có 2 quy hoạch cùng lúc là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch điều chỉnh chung của Thủ đô, tạo điều kiện rà soát tính đồng bộ, tính thống nhất. Mặt khác, để Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải đồng bộ với các quy hoạch chung của cả nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các ngành quốc gia, Quy hoạch của các địa phương xung quanh.

“Việc này rất quan trọng, nếu không đồng bộ và thống nhất sau này xảy ra xung đột, mâu thuẫn, chúng ta phải trả giá hoặc phải điều chỉnh sẽ rất bất cập,” Bộ trưởng nhấn mạnh./.

 Quy hoạch đường sắt đô thị của Hà Nội dự kiến cần 40 tỷ USD trong 10 năm. (Ảnh: TTXVN)

Quy hoạch đường sắt đô thị của Hà Nội dự kiến cần 40 tỷ USD trong 10 năm. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc điều chỉnh Đồ án này có một số nội dung mới cần nhấn mạnh. Thứ nhất là định hướng phát triển, Đồ án được lập cùng với Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, do đó tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và cũng phù hợp với các quy hoạch cấp trên theo hệ thống quy hoạch thực hiện của Luật Quy hoạch năm 2017.

Bên cạnh đó, Đồ án được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững, xác lập các cơ chế năng động, đặc thù cho Thủ đô; đồng thời kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị, theo hướng cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị (vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía Đông, vùng đô thị phía Bắc, vùng đô thị phía Tây, vùng đô thị phía Nam). Hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.

Đồ án cũng đặt vấn đề về kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô. Việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ trong Đồ án lần này.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-hoach-duong-sat-do-thi-ha-noi-can-40-ty-usd-trong-10-nam-lieu-co-kha-thi-post960156.vnp