Quy hoạch Hà Nam: Tầm nhìn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 30/1.
Ngày 26/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo phê duyệt quy hoạch, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hà Nam với diện tích là 861,93 km2; 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục.
Mục tiêu Quy hoạch đã chỉ rõ: Đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; trung tâm du lịch văn hóa gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; có tốc độ tăng năng suất lao động cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nhân lực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời chỉ đạo giao nhiệm vụ: Việc Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam; tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, vùng Thủ đô và tỉnh Hà Nam.
Để xây dựng tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền địa phương phải bám sát vào Nghị quyết của Bộ Chính trị và định hướng phát triển đô thị; chuẩn bị đồng bộ hạ tầng giao thông; hạ tầng xã hội; phát triển đô thị hướng tới nói không với ùn tắc giao thông, nói không với ô nhiễm môi trường, đặc biệt nói không với ô nhiễm môi trường nước. Chú trọng xây dựng mô hình đô thị kết nối vùng và phát triển hạ tầng giao thông đi đến đâu sẽ phát triển kinh tế đến đó; thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế với năng suất lao động cao; phát triển tỉnh có dịch vụ y tế chất lượng cao, phấn đấu đưa tỉnh Hà Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh: Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh, đây sẽ là công cụ cực kỳ quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, định hướng, kiểm soát các hoạt động đầu tư và là nền tảng thúc đẩy phát triển tỉnh Hà Nam mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới.
Trong thời gian tới, Hà Nam lựa chọn 3 đột phá phát triển: Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế: Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Phát triển công nghệ cao, trọng tâm là phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam; Khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trunng phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc; Mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban ngành ở Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, cán bộ các cấp đã quan tâm đến tỉnh Hà Nam trong việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Quy hoạch tỉnh là xây dựng địa phương phát triển theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Để hiện thực hóa tầm nhìn của Quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về nội dung cốt lõi của quy hoạch, tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao trong thực hiện quy hoạch. Cùng với đó, tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngay sau khi hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kết thúc, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức trao Giấy chứng nhận đầu tư và Khởi công dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề tại TP. Phủ Lý. Dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề kết hợp nhà ở tại TP. Phủ Lý có quy mô hơn 26ha bao gồm: công viên chủ đề, xây dựng khu nhà ở, chỉnh trang cải tạo hệ thống giao thông hạ tầng đảm bảo đồng bộ hiện đại.
Về kinh tế, Hà Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt 758 nghìn tỷ đồng; phấn đấu kinh tế số chiếm 25-30% GRDP...