Quy hoạch khảo cổ

Tại hội nghị khảo cổ học năm 2011, PGS-TS Tống Trung Tín, khi đó là Viện trưởng Viện Khảo cổ học, vui mừng chia sẻ cùng giới khảo cổ: Khánh Hòa sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành quy hoạch khảo cổ.

Tại hội nghị khảo cổ học năm 2011, PGS-TS Tống Trung Tín, khi đó là Viện trưởng Viện Khảo cổ học, vui mừng chia sẻ cùng giới khảo cổ: Khánh Hòa sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành quy hoạch khảo cổ. 2 năm sau đó, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 48 năm 2013, ông ngậm ngùi nói: Thật đáng buồn, mọi chuyện vẫn là con số 0. Và cho tới tận thời điểm này, trên cả nước vẫn chưa có địa phương nào hoàn thiện quy hoạch khảo cổ.

Trở lại câu chuyện của Khánh Hòa, thực hiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi bổ sung) về việc xây dựng quy hoạch khảo cổ, tháng 5-2010, UBND tỉnh cấp kinh phí 740 triệu đồng cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), đơn vị chủ đầu tư, triển khai dự án Quy hoạch khảo cổ học Khánh Hòa. Theo ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa, là đơn vị trực tiếp thực hiện, khi xây dựng đề án quy hoạch, ngoài việc đánh dấu các điểm khảo cổ, Bảo tàng Khánh Hòa đã đề xuất cụ thể phương án bảo vệ, phát huy giá trị di chỉ.

Đầu năm 2013, UBND tỉnh trình đề án Quy hoạch khảo cổ học Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2020. Bộ VH-TT-DL cơ bản thống nhất với nội dung đề án, tuy nhiên, yêu cầu phải tiến hành cắm mốc, giải tỏa vi phạm ở các di tích, di chỉ đã biết; tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ để có thêm tư liệu phục vụ nghiên cứu, trưng bày cũng như lập hồ sơ xếp hạng di tích khảo cổ. Theo ông Lê Chí Hướng, đây là những yêu cầu khó thực hiện, bởi có rất nhiều di chỉ khảo cổ nằm trong đất của dân, không thể tùy tiện; còn những điểm ở khu vực rừng núi thì không cần thiết phải cắm mốc. Việc khai quật các di chỉ khảo cổ cũng phải cân nhắc, tính toán thật cụ thể, khoa học, điểm nào trước, điểm nào sau; điểm nào đưa về nhà bảo tàng, điểm nào giữ nguyên tại chỗ..., bởi kinh phí thực hiện rất lớn. Mà không chỉ riêng Khánh Hòa, hiện nay, nhiều tỉnh, thành khác cũng đang gặp khó vì yêu cầu này.

Với tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay, mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa xảy ra là điều tất yếu. Đó là mâu thuẫn giữa việc xây dựng các công trình mới với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ. Thực tế cho thấy, do thiếu quy hoạch, di chỉ chưa được bảo vệ một cách chu đáo. Phải có quy hoạch khảo cổ, xác định những vùng trọng yếu của khảo cổ, các nhà khoa học sẽ xác định di tích nào cần bảo tồn, ở mức độ nào cho phù hợp với quy hoạch, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi chúng ta chưa đủ phương tiện kỹ thuật, nguồn nhân lực và tài chính để khai quật thì cứ bảo vệ, để di tích ở trong lòng đất. Bên cạnh đó, nếu quy hoạch khảo cổ được phê duyệt, phát huy tác dụng, sự phối hợp giữa các ngành liên quan sẽ tốt hơn, tránh bớt tình trạng tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong ứng xử với di tích.

Ông Lê Chí Hướng cho biết, hiện nay, ngành Văn hóa Khánh Hòa tham mưu với tỉnh trong công tác xây dựng, quản lý quy hoạch chỉ dựa trên cơ sở khoa học mà chưa có cơ sở pháp lý, bởi quy hoạch khảo cổ chưa được phê duyệt. Ngành chỉ có thể chỉ ra những địa điểm nào có di chỉ, di tích cần được bảo vệ, bảo tồn để tỉnh có hướng phê duyệt những quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác theo Luật Di sản văn hóa. Nếu quy hoạch khảo cổ học được phê duyệt, công tác tham mưu nói trên sẽ thuận tiện, hiệu quả hơn nhiều.

Câu chuyện cho thấy Khánh Hòa rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững. Sở VH-TT, Bảo tàng Khánh Hòa và Bộ VH-TT-DL cần tìm cách tháo gỡ những vướng mắc nói trên để Quy hoạch khảo cổ Khánh Hòa sớm được phê duyệt, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

PHONG NGUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201909/quy-hoach-khao-co-8129345/