Quy hoạch Liên Khương là cảng hàng không quốc tế
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tới 2030, sân bay có công suất 5 triệu hành khách/năm
Theo quy hoạch, Cảng hàng không Liên Khương tại tỉnh Lâm Đồng, được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II, có công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương.
Trong giai đoạn này, giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.250m x 45m, lề vật liệu rộng 7,5m. Đồng thời, quy hoạch đường lăn song song với toàn bộ chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu, quy hoạch 3 đường lăn nối, 1 đường lăn thoát nhanh, kích thước lề vật liệu theo quy định.
Bên cạnh đó, mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 21 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Đối với nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030 sẽ giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Nhà ga hàng hóa của thời kỳ này được quy hoạch trên khu đất phía Đông khu hàng không dân dụng, diện tích khoảng 23.300 m2, đáp ứng công suất khoảng 20.000 tấn hàng hóa/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Liên Khương sẽ có công suất 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm, với loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương.
Giai đoạn này, sẽ kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây thêm 350m lên thành 3.600m x 45m, kích thước lề vật liệu theo quy định. Cùng đó, kéo dài đường lăn song song phù hợp với kéo dài đường cất hạ cánh. Quy hoạch bổ sung 1 đường lăn nối, 1 đường lăn thoát nhanh, kích thước lề vật liệu theo quy định.
Cùng đó, tiếp tục mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 27 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu. Giai đoạn này cũng mở rộng nhà ga hành khách T2 để tổng công suất toàn Cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm, và dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu. Nhà ga hàng hóa sẽ tiến hành cải tạo, mở rộng tại vị trí hiện hữu khi có nhu cầu để đáp ứng công suất khoảng 30.000 tấn hàng hóa/năm.
Cần hơn 340ha đất cho sân bay tới năm 2050
Với các công trình bảo đảm hoạt động bay, Cảng hàng không Liên Khương tiếp tục sử dụng Đài Kiểm soát không lưu cùng hệ thống đài dẫn đường DVOR/DME hiện hữu. Quy hoạch hệ thống đèn hiệu sân bay đảm bảo đồng bộ khai thác, cũng như quy hoạch hệ thống quan trắc thời tiết tự động (AWOS) phù hợp với yêu cầu khai thác tại Cảng.
Ngoài ra, nghiên cứu bố trí hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh (ARIWS), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống ra đa thời tiết, hệ thống giám sát bề mặt đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim, hệ thống cảnh báo gió đứt, các công trình bảo đảm hoạt động bay khác khi có nhu cầu. Vị trí cụ thể sẽ được xác định trong bước triển khai dự án để đảm bảo hệ thống hoạt động tối ưu.
Liên quan tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, đường trục vào Cảng sẽ kết nối theo 2 hướng là kết nối bằng đường hiện hữu với quốc lộ 20, mở rộng quy mô khi có nhu cầu và kết nối với cao tốc Liên Khương – Prenn khi có nhu cầu.
Với đường giao thông nội Cảng, sẽ quy hoạch các tuyến đường kết nối từ đường trục tới các khu chức năng của Cảng; mặt cắt ngang các tuyến đường từ 2-4 làn xe; bổ sung đường công vụ khi có nhu cầu khi mở rộng Cảng.
Quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt cũng đưa ra các phương án về hệ thống sân đỗ ô tô, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, khu vực lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại, khu dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, hệ thống khẩn nguy, cứu nạn, nhà xe ngoại trường, bãi tập kết phương tiện, thiết bị mặt đất, khu vực tra nạp nhiên liệu cho phương tiện, thiết bị mặt đất, khu cung cấp nhiên liệu hàng không, khu chế biến suất ăn hàng không, trạm y tế, nhà điều hành cảng.
Tổng nhu cầu sử dụng đất cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cảng hàng không Liên Khương khoảng 340,84 ha. Trong đó, diện tích đất do hàng không dân dụng quản lý là 176,21ha và diện tích đất dùng chung do dân dụng quản lý là 153,90ha. Diện tích đất quân sự quản lý khoảng 10,73ha.
Cục Hàng không VN có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu Báo cáo thẩm định của Vụ Kế hoạch - Đầu tư để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quy định. Đồng thời chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch.
UBND tỉnh Lâm Đồng được đề nghị cập nhật nội dung quy hoạch vào các quy hoạch của địa phương, bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp theo quy hoạch được duyệt.
Đối với diện tích đất dự kiến quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 để dự phòng cho mục tiêu dài hạn, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng quản lý theo thẩm quyền, thuận lợi cho việc mở rộng cảng hàng không khi có nhu cầu.