Quy hoạch quảng cáo cần quan tâm đến giá trị văn hóa và sự an toàn của người dân
Ngày 11/8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị phản biện dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết, dự thảo quy hoạch có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 quy hoạch các vị trí hiện hữu, giai đoạn 2 quy hoạch quảng cáo các vị trí trên đất công. Thành phố có 1.441 vị trí cổ động chính trị (treo băng rôn, trụ, màn hình điện tử), 1.603 vị trí chuyên để quảng cáo thương mại (bảng quảng cáo, trụ quảng cáo). Tuy nhiên, vì chậm ban hành, quy hoạch quảng cáo đã dẫn đến một số khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó phát sinh nhiều quảng cáo không phép, trái phép.
Nhiều ý kiến đại biểu dự hội nghị phản biện liên quan đến vấn đề giá trị văn hóa cần phải được chú trọng và đặt lên hàng đầu, bởi thông qua các bảng quảng cáo, thể hiện được văn hóa của địa phương, đơn vị. Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND TP Hồ Chí Minh, quy hoạch cần phải xác định rõ người dân được hưởng lợi gì, giá trị văn hóa như thế nào? Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1 đề xuất, đối với các quận trung tâm, nội thành nên quảng cáo bằng đèn LED, 3D; hạn chế tối đa bảng quảng cáo kim loại để tránh rủi ro khi mưa, gió hoặc an toàn cháy nổ. Cần nghiêm cấm dựng bảng quảng cáo ở khu dân cư và địa điểm sản xuất để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, từ năm 2015 đến nay, thành phố có 509 trụ quảng cáo, thu được hơn 30.000 tỷ đồng. Bà Nhung đề nghị cần xã hội hóa trong việc quảng cáo để thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm giảm nguồn ngân sách và trong quy hoạch cần phải ước dự kiến con số này. Từ nguồn thu này sẽ quay trở lại đầu tư cho các hoạt động văn hóa.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy hoạch quảng cáo tại các đường vành đai, metro và ở các khu đất công. Việc quảng cáo tại đất công sẽ giúp tránh lãng phí đất công, tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng hiệu quả tuyên truyền.
Kết luận hội nghị, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đề nghị đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu để khi ban hành quy hoạch người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận; bổ sung quy định phân cấp, phân quyền quản lý cho các đơn vị cấp huyện. Bên cạnh việc quy hoạch quảng cáo tạo ra nguồn thu để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, cần phải làm bật lên được giá trị văn hóa đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.