Quy hoạch Quảng Nam: Phát triển hạ tầng giao thông chiến lược với 5 loại hình
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông, là đầu mối hàng hóa quan trọng của hành lang quốc tế Đông - Tây.
Phát triển Quảng Nam theo vùng không gian
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, trong các giai đoạn này, Quảng Nam đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại.
Theo đó, đầu tư, phát triển tỉnh Quảng Nam theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển".
Trong đó gồm 2 vùng Đông và Tây. Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Vùng Tây gồm các huyện miền núi.
Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh.
Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh và Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Các vùng không gian này sẽ phát triển công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai. Phát triển, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.
Phát triển hạ tầng giao thông chiến lược
Cũng theo quy hoạch, việc phát triển tỉnh Quảng Nam trong các giai đoạn này trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược như: giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế….
Cụ thể, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh với 5 loại hình giao thông gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia; bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế.
Quy hoạch sẽ lấy các đầu mối giao thông cảng hàng không, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch các trục quốc lộ kết nối Đông - Tây như 140, 14B, 14G, 14H, 40B, 24C và hoàn thiện các trục kết nối Bắc - Nam, các trục kết nối phục vụ các khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai.
Đồng thời, hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên, các nước theo hành lang quốc tế Đông - Tây.
Ngoài ra, Quảng Nam sẽ nâng cấp, mở rộng hệ thống đường tỉnh gắn kết các hành lang kinh tế, khu kinh tế và các đô thị; phát triển các tuyến đường huyện có tính kết nối liên huyện để nâng cấp thành các tuyến đường tỉnh.
Xây dựng các cầu qua sông Trường Giang, Cổ Cò với công nghệ hiện đại, kiến trúc độc đáo phù hợp với cảnh quan đô thị ven biển và thúc đẩy phát triển du lịch.
Phát triển hệ thống giao thông thông minh liên vùng; xây dựng các khu vực bến, bãi đỗ xe thuận tiện trong các đô thị, các bãi xe thông minh tại các khu vực trọng điểm.
Về hàng không, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai với quy mô sân bay đạt cấp 4F. Là trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay; trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không; gắn kết với khu phi thuế quan và các khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao, xuất nhập khẩu đường hàng không.
Đối với hàng hải, sẽ đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở kết nối vào các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Giang... đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 DWT gắn với khu phi thuế quan, khu công nghiệp, cảng hàng không, ga đường sắt; hình thành trung tâm logistics đa phương tiện.
Xây dựng cảng biển Quảng Nam trở thành trung tâm cảng biển - dịch vụ logistics container của miền Trung - Tây Nguyên, là đầu mối hàng hóa quan trọng của hành lang quốc tế Đông - Tây.
Từng bước đầu tư nạo vét luồng các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang, Thu Bồn, khai thác vận tải đường thủy nội địa theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây kết nối với các đảo trong khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và các khu du lịch, đô thị Đà Nẵng - Hội An - Duy Hải, Duy Nghĩa - Bình Minh - Tam Kỳ - Núi Thành.
Phát triển đồng bộ hệ thống cảng, bến thủy nội địa, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm kết nối hệ thống giao thông đường thủy nội địa với các loại hình giao thông khác.
Hệ thống ga đường sắt của tỉnh Quảng Nam sẽ gắn với các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên.
Cùng với đó, sẽ nghiên cứu đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối vào mạng lưới đường sắt đô thị của Đà Nẵng, bao gồm tuyển kết nối từ cảng hàng không quốc tế Chu Lai và tuyến kết nối từ TP Hội An.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
Giai đoạn 2050, tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.