Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp trước yêu cầu đổi mới
Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học là chủ trương và cũng là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Thực hiện hiệu quả chủ trương này sẽ là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng ở mỗi đơn vị trường nói riêng và toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà nói chung.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương) trong giờ ra chơi.
Đầu năm 2020-2021, ngành giáo dục huyện Quảng Xương quyết định sáp nhập Trường Tiểu học (TH) Quảng Giao với Trường THCS Quảng Giao trên địa bàn xã Quảng Giao và đổi tên thành Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên. Ngay sau khi sáp nhập, nhà trường tiếp nhận cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên đã giải thể theo Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Thầy giáo Đàm Khắc Dương, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, xã Quảng Giao chia sẻ: “Với diện tích 20.000m2 cùng hệ thống phòng học, khuôn viên rộng rãi, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ở cả cấp TH và THCS. Đặc biệt, từ khi tiếp quản và đưa vào sử dụng cơ sở vật chất, nhà trường không phải đầu tư xây dựng thêm phòng học, mặc dù những năm gần đây, mỗi năm nhà trường tăng thêm 1 lớp học. Riêng khuôn viên sân trường đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cùng lúc cho cả 2 cấp học”.
Nhờ phát huy lợi thế về cơ sở vật chất cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, chất lượng dạy và học của Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên không ngừng được nâng cao qua từng năm học. Kết thúc năm học 2023-2024, ở cấp TH nhà trường có hơn 100 học sinh đoạt giải trong các kỳ giao lưu cấp huyện và cấp tỉnh; ở cấp THCS có 35 học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, trong đó nhiều môn trước đây không có giải nay đã có giải cao như môn tiếng Anh, Sinh học. Đây cũng là năm học nhà trường có 2 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của cả trò và thầy.
Cùng với Trường TH và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, những năm gần đây, ngành giáo dục huyện Quảng Xương đã phối hợp với các địa phương rà soát, sắp xếp, sáp nhập thành công nhiều đơn vị trường, như sáp nhập Trường THCS Quảng Vọng với Trường THCS Quảng Phúc; Trường TH Quảng Vọng với Trường TH Quảng Phúc; sáp nhập Trường TH Quảng Lĩnh với Trường TH Quảng Lợi thành Trường TH Tiên Trang...
Tại nhiều địa phương khác như các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa... cũng vậy, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp được cả ngành giáo dục và chính quyền các địa phương vào cuộc tích cực, đặc biệt là từ khi tỉnh ban hành Đề án “Sắp xếp các trường mầm non, TH, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”. Nhiệm vụ này được các địa phương gắn với việc sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương. Ví như tại huyện Hậu Lộc đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập Trường TH Thịnh Lộc vào Trường TH thị trấn và lấy tên là Trường TH thị trấn Hậu Lộc; sáp nhập Trường THCS Châu Lộc và Trường THCS Triệu Lộc lấy tên là Trường THCS Triệu Lộc... Tại huyện Thiệu Hóa, ngành giáo dục huyện cũng đã phối hợp với các địa phương rà soát, sắp xếp, sáp nhập thành công nhiều trường TH và THCS trên địa bàn các xã Thiệu Thịnh, Thiệu Giao... Theo đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT các địa phương, việc sắp xếp, sáp nhập trường học trên địa bàn huyện được thực hiện đúng pháp luật và bảo đảm các trình tự theo quy định. Quá trình thực hiện nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Ngay sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường ổn định cả về tổ chức bộ máy cũng như các hoạt động giáo dục và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Qua thống kê của Sở GD&ĐT, thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường mầm non, TH, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 2820/QĐ-UBND, ngày 27/7/2021 của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 49 trường học và 142 điểm trường thuộc các cấp học. Trong đó, cấp mầm non giảm 12 trường, cấp TH giảm 22 trường, cấp THCS giảm 14 trường và giảm 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Trước đó, thực hiện chủ trương sắp xếp mạng lưới trường lớp bảo đảm gọn, hiệu quả, toàn tỉnh đã giảm hơn 130 trường mầm non, TH và THCS công lập. Đối với cấp THPT, trong năm 2018 và 2019 toàn tỉnh giảm 13 trường. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 2.000 trường học các cấp, trong đó cấp mầm non có 677 trường, TH có 592 trường, THCS có 610 trường, THPT có 102 trường.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các trường sau khi sắp xếp, sáp nhập đều tập trung nâng cao công tác quản lý; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, giáo viên dạy chéo môn được khắc phục tối đa; chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn không ngừng được nâng lên. Quy mô các nhà trường sau sáp nhập đủ lớn để thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong nhà trường và phù hợp với tình hình thực tiễn tại mỗi địa phương, góp phần đáp ứng yêu cầu học tập của Nhân dân cũng như thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.