Quy hoạch Thủ đô: Đại biểu Quốc hội nêu 3 nút thắt lớn cần giải quyết
Trăn trở làm thế nào để Quy hoạch Thủ đô xây dựng lên sẽ được triển khai thực hiện theo những điểm đã chỉ ra và kỳ vọng, đại biểu Quốc hội nêu 3 nút thắt lớn cần giải quyết.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho hay, ông là người may mắn được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô là một quy hoạch tỉnh, nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác là quy hoạch cho một địa phương, Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước. Do vậy, ở đây phải mang tất cả những yếu tố hội tụ và mang tính đại diện cho sự phát triển của cả nước.
"Chúng tôi là những người tham gia thấy rất hài lòng và yên tâm. Tuy nhiên, làm thế nào để quy hoạch chúng ta xây dựng lên sẽ được triển khai thực hiện theo những điểm chúng ta đã chỉ ra và chúng ta đều kỳ vọng," đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, có 3 vấn đề cần quan tâm và trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch này.
Thứ nhất, phải giải quyết vấn đề, nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện này là vấn đề giao thông ùn tắc. Trọng tâm là Hà Nội đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân, giải quyết vấn đề ùn tắc hay ô nhiễm môi trường.
Khi mạng lưới đường sắt phát triển kết nối với các vùng ngoại thành sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô này ra phát triển ở những vùng đô thị mới, đặc biệt là hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam.
Mặt khác khi có hệ thống đường sắt, thành phố không cần bỏ nguồn lực chỉnh trang, cải tạo những khu vực dân cư lụp xụp, thay vào đó nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để chỉnh trang, phát triển các đô thị này thành khu đô thị hiện đại, văn minh, có hệ thống không gian ngầm.
Thứ hai, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường là nước sạch, không có ô nhiễm.
Thứ ba, cần phải có cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ.
"Muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này phải hỗ trợ để người dân có thể dành không gian tự sản xuất, kinh doanh hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú, trở thành những nơi để kinh doanh ăn uống," đại biểu đề xuất.
Như vậy, sẽ phát triển được không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm.
Quy hoạch thủ đô Hà Nội: Không thể xây cao tầng trong khu nội đô
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ băn khoăn, day dứt: "Quy hoạch xác định tương lai sẽ hình thành mô hình thành phố trong thủ đô, tôi có ý kiến ngược lại nên xây dựng mô hình thủ đô trong thành phố".
Ông Thân cho rằng, nên chăng xác định các quận (4 - 5 quận) nội thành là thủ đô, còn Hà Nội nói chung là cả khu vực thủ đô và các khu vực khác. Như vậy mới có thể tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực thủ đô.
Từ đó đại biểu đề xuất, trong khu vực quận nội thành cần xác định việc tôn tạo, bảo tồn tốt không gian kiến trúc đô thị vốn có. Hiện trạng của 36 phố phường cứ để nguyên như thế. Không thể xây dựng nhà cao tầng quá nhiều trong khu nội đô, kiến trúc nhà cửa, đường phố nên giữ lại, chỉ tôn tạo, chỉnh trang.
Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội quan tâm vấn đề phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô, có sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử đô thị hiện đại.
Về cải tạo chung cư cũ, đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất tốt, đặc biệt là tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy, đây là vấn đề cấp thiết, bức xúc cần thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặt vấn đề phải làm sao để không còn nhà ống ở Hà Nội. Nội dung này cần phải bàn với dân tạo được sự đồng thuận cao.
"Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống đến bây giờ rất khó để xử lý và sửa chữa. Nhân đợt này hạn chế dần, hạn chế dần để không có nhà ống mới và quy hoạch lại để thay đổi," đại biểu nhấn mạnh.
Về vấn đề đường trên cao, đại biểu đề nghị chỉ phát triển ở ngoài, còn ở trong phố, những nơi đông đúc rồi thì hạn chế tối đa, có thể kể đến như phố cổ, phố nhiều nhà cao tầng hiện đại. Nếu làm đường trên cao sẽ khiến ngăn hẳn tầm nhìn, làm xấu đi tuyến phố.
Về quy hoạch hệ thống y tế của Thủ đô, đại biểu nhấn mạnh đây là quy hoạch không chỉ cho người dân Thủ đô. Đây là quy hoạch cho cả vùng miền, thậm chí là của cả quốc gia.
Theo đại biểu, hầu hết các bệnh viện lớn, đầu ngành đều đang tập trung tại Hà Nội. Do vậy, các bệnh viện lớn, đặc biệt chuyên khoa thì nên tập trung cao độ, thậm chí nên có trung tâm y khoa, viện chuyên khoa để phối hợp.
Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, vấn đề quy hoạch lại thành phố cần chú ý phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ, các sự cố nghiêm trọng để sử dụng dứt khoát phải có đường rộng để đi, phải tìm mọi cách để làm.