Quy hoạch Thủ đô: Văn hóa, văn hiến, văn minh Thăng Long là trụ cột xuyên suốt
Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050' được tổ chức sáng 29/9.
Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia, đóng góp ý tưởng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 Đại học, Trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc tổ chức được buổi hội thảo này cũng chính là điểm đặc thù, thuận lợi riêng có của Thủ đô Hà Nội đối với việc huy động nguồn lực chất xám ngay tại địa bàn Thủ đô cho công tác quy hoạch Thủ đô nói riêng và phát triển Thủ đô nói chung.
Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ, Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần đưa ra những luận cứ khoa học, những ý kiến đóng góp để xây dựng quy hoạch Thủ đô.
Thời gian qua, các trường đại học, các chuyên gia, nhà nghiên khoa học đã tập trung nghiên cứu với hơn 60 tham luận đóng thành kỷ yếu hội thảo lần này. Đây là những ý kiến đóng góp tâm huyết để cùng nhau xây dựng Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, sánh vai cùng thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, trong năm 2022-2023, cùng với việc ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, Hà Nội đang triển khai rất nhiều công việc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Hải cho biết, đến nay Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cơ quan được thành phố giao lập quy hoạch Thủ đô đã phối hợp với liên danh tư vấn nghiên cứu (7 liên danh) hoàn thành dự thảo 1 quy hoạch, chuẩn bị thực hiện các bước xin ý kiến đối với quy hoạch theo quy định. Trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo hôm nay được tổ chức cũng nằm trong chuỗi hội thảo này.
Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 bài viết với nội dung đa dạng, phong phú, nhiều bài đi sâu vào góp ý, cụ thể hóa hơn về triết lý phát triển, về nội hàm của “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu, định hướng lớn trong Đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô.
Một là, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tập trung làm rõ các điểm đặc thù của Thủ đô, đặc biệt là lịch sử hình thành và phát triển, các đặc thù về văn hóa, các đặc điểm địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.
Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường; góp phần đánh giá được các kết quả đã đạt được và xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua.
Ba là, gợi ý định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung gợi ý các quan điểm phát triển Thủ đô, mục tiêu phát triển Thủ đô, các khâu đột phá; các phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Tại hội thảo, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Đề án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã trình bày tóm tắt những nội dung chủ yếu của dự thảo quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Trong đó nhấn mạnh về thực trạng phát triển và đặc thù của Thủ đô Hà Nội từ thời tiền Thăng Long đến giai đoạn hiện đại. Dự thảo quy hoạch đánh giá, qua các thời kỳ phát triển, Hà Nội luôn là nơi hội thụ nhiều tinh hoa văn hóa và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, có vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nhiều tiềm năng về địa hình, tài nguyên đa dạng phong phú về con người, di sản văn hóa mà ít Thủ đô trên thế giới có được.
Qua các thời kỳ phát triển, Hà Nội đã đạt được những thành tựu, kết quả đáng tự hào trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang tồn tại 5 điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển trong tương lai. Trong đó, chưa có một thể chế thực sự vượt trội để cho Hà Nội phát huy hết tiềm năng, lợi thế thế cho phát triển.
Hiện có Luật Thủ đô, tuy nhiên trong đó còn nhiều quy định ràng buộc làm hạn chế sự phát triển cho nhiều lĩnh vưc. Chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn để phục vụ cho hơn 8 triệu dân. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá vượt trội.
“Đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần phân tích thấu đáo và có phương án giải quyết nhằm đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn tới” - GS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, từ thực trạng và những điểm nghẽn đánh giá như trên, định hướng Quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quán triệt dựa trên triết lý phát triển Thủ đô Hà Nội. “Các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh Thăng Long - Hà Nội là những trụ cột xuyên suốt khi xây dựng bất kể phương án quy hoạch nào” - GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
5 quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội được các đơn vị tư vấn lập quy hoạch đưa ra, trong đó quan điểm hàng đầu là phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; tạo dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Nhân tố con người sẽ được phát huy, lấy vai trò làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động và mục tiêu của phát triển; lấy lợi ích của đa số và vì sự phát triển Thủ đô trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích các bên làm tiêu chuẩn cho sự thay đổi. Các giá trị văn hóa, lịch sử được tôn trọng, giữ gìn, tôn tạo, khai thác và phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực phát triển bền vững, được phát triển ngang tầm với kinh tế…