Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng
Chiều 24/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 38 địa phương thuộc lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.
Hội nghị đã nghe đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trình bày 2 dự thảo: Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được quy định tại Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa các giải pháp của Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi. Quy hoạch được lập với mục tiêu nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp và phát triển bền vững nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn, phục vụ đa mục tiêu; chủ động tiêu thoát nước cho nông nghiệp kết hợp tiêu cho đô thị, công nghiệp… trong hệ thống thủy lợi; phòng, chống lũ cho lưu vực sông; góp phần cải tạo môi trường nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước của lưu vực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi hằng năm, 5 năm và dài hạn trên lưu vực.
Các dự thảo Quy hoạch cũng chỉ rõ các nội dung về phương án quy hoạch; nhu cầu sử dụng đất để triển khai quy hoạch; danh mục công trình, dự án dự kiến đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện.
Cho ý kiến tham luận tại hội nghị, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương cơ bản thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với nội dung các dự thảo quy hoạch; đồng thời có một số ý kiến kiến nghị quy hoạch cần đề cập, làm rõ hơn về công tác vận hành hệ thống thủy lợi của toàn khu vực; giải pháp kỹ thuật bảo đảm khi quy hoạch được triển khai thực hiện sẽ đáp ứng yêu cầu; điều chỉnh một số nội dung trong quy hoạch liên quan đến việc nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều đã xuống cấp cho phù hợp với thực tế của các địa phương…

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng phát biểu tham luận.
Tham luận tại hội nghị từ điểm cầu Hà Nam, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong nội dung Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng quan tâm chỉ đạo nghiên cứu giải quyết cho tỉnh Hà Nam một số vấn đề như: Nghiên cứu khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước trên sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam cũng như các tỉnh phía hạ nguồn; sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và sông Đáy; cải tạo lòng dẫn hệ thống sông Đáy, sông Nhuệ, đáp ứng nhu cầu tiêu thoát lũ; nghiên cứu triển khai các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm mỗi trường kết hợp phát triển kinh tế - xã hội lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ; đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt là cải tạo nâng cấp, bổ sung các trạm bơm tiêu chống ngập, úng phục vụ đời sống cũng như sản xuất của người dân, doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến đề xuất, góp ý tại hội nghị để có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm các quy hoạch phải giải quyết được bài toán về thủy lợi, thủy điện, môi trường, đồng bộ với công tác chống ngập đô thị.